1. Giới thiệu
Đọc sách giúp chúng ta tư duy tốt hơn, có nhận thức sâu sắc và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Đặc biệt đối với các bạn học sinh, việc kết hợp chăm chỉ học tập và tiếp thu kiến thức từ sách vở, tài liệu sẽ là nguồn tri thức quan trọng và hữu ích phục vụ quá trình học tập. Sách giáo khoa và các tài liệu học tập chính là nơi cung cấp kiến thức quan trọng để các bạn học sinh có thể khai thác sử dụng trong việc học tập, củng cố và mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, làm thế nào để lĩnh hội được các kiến thức từ tài liệu, sách giáo khoa một cách khoa học và hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
2. Phương pháp luyện đọc
2.1. Kỹ năng đọc lướt
Kỹ thuật đọc lướt (Skimming) là kỹ thuật đọc nhanh và sơ lược toàn bộ cuốn sách mà không đi vào đọc cụ thể bất cứ một đoạn hay chương nào. Mục đích của kỹ năng này giúp các bạn học sinh bước đầu nắm được ý chính, bố cục, những vấn đề quan trọng và cần thiết để hiểu tổng quan nội dung có trong sách. Với phương pháp đọc lướt này các bạn học sinh có thể thay đổi tốc độ đọc tùy vào từng thời điểm khác nhau như có thể đọc nhanh ở những phần kiến thức mở đầu, giới thiệu và ở những phần kiến thức khó hiểu, trừu tượng thì có thể giảm tốc độ đọc để tiếp thu nội dung dễ dàng và tốt hơn. Đây là kỹ năng giúp các bạn học sinh nắm bắt được khái quát nội dung bài học nhưng lại không tốn quá nhiều thời gian và công sức.
2.2 Kỹ năng tóm tắt
Kỹ năng tóm tắt là kỹ năng là sáng tạo phiên bản ngắn gọn của một văn bản dạng nói hoặc dạng viết nhấn mạnh những ý chính và loại bỏ mọi thứ không cần thiết. Như chúng ta biết, trong sách giáo khoa ở mỗi bài học được chia thành từng câu, đoạn và trong mỗi câu, đoạn đều có một hoặc nhiều từ khóa quan trọng liên quan đến nội dung của toàn bài. Để có thể thực hiện tóm tắt tốt những từ khóa quan trọng, các bạn học sinh phải đọc thường xuyên và tạo cho mình thói quen nhận diện từ khóa.
Việc tóm tắt tài liệu có nhiều mức độ khác nhau và còn tùy thuộc vào tính chất của nội dung cần tóm tắt, có hai dạng tóm tắt điểm hình đó là:
Tóm tắt đầy đủ: Ghi chép một cách ngắn gọn các dữ kiện, thông tin.
Tóm tắt đơn giản: Ghi tóm tắt những điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm và quan trọng nhất.
Với phương pháp này, các bạn học sinh có thể highlight, ghi chú những ý chính cần thiết, quan trọng và có thể tóm ý mỗi chương, mỗi đoạn hoặc mỗi trang sau khi đọc.
2.3 Kỹ năng phân chia nội dung
Kỹ năng này đòi hỏi các bạn học sinh cần phải biết xác định được vấn đề trọng tâm của quyển sách, những khía cạnh xung quanh nội dung chính. Với phần này cần phân tích, xem xét những thông tin quyển sách truyền tải nhằm đánh giá, phân loại, tiến hành phân chia nội dung, cấu trúc logic của bài đọc. Sau đó, sắp xếp, đặt tên tiêu đề cho từng phần, đoạn đã đọc sao cho tên các đề mục thể hiện được ý chính trong bài.
2.4 Kỹ năng trích ghi
Với lượng kiến thức khổng lồ, không phải bạn học sinh nào cũng có thể nhớ được hết những thông tin, kiến thức đã đọc vì vậy, ghi chép lại những gì đã đọc sẽ là phương pháp hữu ích để có thể ghi nhớ sâu các nội dung, kiến thức đã đọc. Đối với kỹ năng này, đòi hỏi các bạn học sinh phải ghi chép một cách cụ thể, khoa học như tên tác giả, tác phẩm, năm xuất bản hay các công thức, số liệu,…Việc ghi chép lại các nội dung đã đọc là cần thiết bởi sẽ giúp các bạn học sinh có thể nhớ lâu các tuyến nội dung quan trọng trong bài học.
2.5 Kỹ năng lập dàn bài
Lập dàn bài là một thao tác quan trọng, giúp hệ thống hóa những ý cơ bản trong bài học. Khi lập dàn bài, các bạn học sinh cần phải làm nổi bật các nội dung chính, sắp xếp khoa học, dễ hiểu để từ đó kết nối các yếu tố thành một hệ thống có trật tự. Khi thực hiện tốt kỹ năng này sẽ giúp các bạn học sinh phát triển tư duy trong đọc sách, có cơ sở vững chắc để khái quát, kiến lập hệ thống tri thức một cách khoa học, ngắn gọn, súc tích từ nội dung một chương hay nhiều chương.
3. Lợi ích
3.1 Nâng cao kiến thức
Có ai biết được trên thế giới có bao nhiêu đầu sách, có ai thống kê được đầy đủ các quyển sách đã xuất bản viết về kiến thức gì. Sách chính là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của những người đi trước viết ra kể lại và truyền đạt cho chúng ta. Các cuốn sách về kinh tế, lịch sử, văn hóa cho ta kiến thức về kinh doanh và thực tế xã hội, về sự phát triển qua từng thời kỳ nhân loại.
Tất cả đều chứa đựng nguồn kiến thức xúc tích, tinh hoa văn hóa nhân loại. Đọc sách rồi bạn sẽ biết vì sao khi cháy xăng thì không nên dập lửa bằng nước, hay không nên lên tiếng, xen vào chuyện của người ta dù bản thân có ý tốt muốn giúp đỡ,….Đọc sách dù ít dù nhiều hay đọc về lĩnh vực gì bạn đều sẽ nhận được những trải nghiệm, không ai dám chắc chăm đọc sách chưa chắc đã thành công nhưng những người thành công lớn đều ham đọc sách.
3.2 Cải thiện sự tập trung và tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích
Khi đọc sách toàn bộ tâm trí và các giác quan của bạn đều dồn về đôi mắt theo dõi đọc từng chữ, từng dòng. Bàn tay lật lật từng trang giấy và trong đầu tập trung vào những kiến thức mà cuốn sách đang nhắc đến hay suy nghĩ theo dõi diễn biến tiếp theo của câu truyện mà không cần phải quan tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ cần bộ não và mắt hoạt động.
Với những cuốn sách hay bổ ích về lĩnh vực bạn quan tâm, bạn đọc ngấu nghiến từng trang từng trang không rời mắt, đây là cách rèn luyện được sự tập trung cao độ của trí óc đồng thời bản thân mình cũng đang vừa đọc vừa tư duy, phân tích theo diễn biến câu chuyện. Chính vì vậy thời gian theo dõi đọc một cuốn sách hay cũng là khoảng thời gian bạn đang rèn luyện sự tập trung và khả năng tư duy phân tích của bản thân rất tốt.
3.3 Vốn từ ngữ được mở rộng thông qua việc đọc sách
Vốn từ của bản thân nhiều lên, giao tiếp nói chuyện với mọi người một cách hoạt ngôn cởi mở và cuốn hút là một trong những lợi ích tuyệt vời mà việc đọc sách mang lại. Tri thức trong sách được diễn đạt rất xúc tích, logic dễ hiểu và không kém phần thu hút cho người đọc. Nên khi đọc càng nhiều bạn sẽ có thêm càng nhiều kiến thức và học được cách diễn đạt, kể chuyện logic thu hút người nghe nhờ khả năng tư duy với vốn từ ngữ phong phú ấn tượng. Đồng thời khả năng viết cũng tiến bộ rõ rệt đấy.
3.4 Cải thiện trí nhớ
Khi bạn đọc sách, bạn phải ghi nhớ các nhân vật, thông tin về họ, hoài bão, lịch sử, sắc thái hay các tình tiết hình thành nên lối sống qua mỗi câu chuyện. Có thể là hơi nhiều nhưng dần dần não bộ sẽ ghi nhớ được hết nhờ sự rèn luyện theo thời gian. Giống như một thói quen, lặp đi lặp lại nhiều lần bạn sẽ quen ngay với việc ghi nhớ thôi mà. Rất kì diệu, mỗi ký ức mới sẽ khiến não tạo ra nếp nhăn mới và củng cố nếp nhăn cũ, hỗ trợ việc nhớ lại và cân bằng cảm xúc. Thật thú vị phải không?