Phương pháp MONTESSORI là gì?
Là một trong những phương pháp giáo dục sớm cho trẻ, do bác sĩ và là nhà giáo dục người ý Maria Montessori (1870 – 1952) nghiên cứu.
1. Phương pháp Montessori
Montessori là phương pháp giáo dục hiện đại, được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới hàng trăm năm qua. Phương pháp được sáng lập bởi tiến sĩ Maria Montessori người Ý, chuyên gia trong lĩnh vực nhân văn học, triết học và giáo dục học..
Montessori là cách giáo dục sớm cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi thông qua các giáo cụ trực quan được thiết kế khoa học. Nội dung phương pháp giáo dục Montessori tập trung thúc đẩy tiềm năng tự nhiên của trẻ. Đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm sử dụng các giáo cụ hỗ trợ chuyên biệt.
Montessori là môi trường giáo dục cởi mở, thân thiện tôn trọng cá tính riêng biệt, sự tự lập, tự do mang tính kỷ luật của trẻ. Từ đó hỗ trợ phát triển tâm sinh lý trẻ một cách tự nhiên, trang bị cho trẻ những kiến thức thực tiễn cần thiết.
Ngoài đức tính tự lập, chủ động giải quyết vấn đề, phương pháp Montessori mang tới cho trẻ khả năng phát triển tư duy cùng với sư sáng tạo vượt bậc – nhất là cho những năm “thời kì vàng” của trẻ.
2. Sự khác biệt giữa phương pháp Montessori và phương pháp truyền thống
Nội dung phương pháp giáo dục Montessori và truyền thống cùng hướng đến giúp trẻ phát triển các phẩm chất, kỹ năng trong giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên 2 phương pháp có nhiều khác biệt, cùng so sánh các điểm này ngay dưới đây:
Nội dung | Phương pháp giáo dục Montessori | Phương pháp giáo dục truyền thống |
Mục tiêu giáo dục | Giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, kỹ năng, phẩm chất và thể chất | Tập trung chủ yếu giúp trẻ phát triển tri thức xã hội |
Trung tâm lớp học | Trẻ được coi là trung tâm của lớp học, học tập dưới sự hỗ trợ của giáo viên | Giáo viên là trung tâm, dẫn dắt trẻ học tập |
Nhóm tuổi | Lớp là nhóm trẻ gồm nhiều độ tuổi khác nhau | Lớp là nhóm trẻ cùng độ tuổi |
Môi trường giáo dục, học tập | Hỗ trợ trẻ phát triển khả năng tiềm ẩn tự nhiên, dạy và học theo khả năng của trẻ, trẻ tự tìm ra bài học và ghi nhớ Giáo viên hướng dẫn trẻ theo khả năng tự nhiên và tiến độ của từng trẻ. | Bài giảng theo chương trình học tập chung của toàn trường` Giáo viên hướng dẫn theo nhóm trẻ không phân biệt |
Giáo cụ dạy và học | Giáo cụ dạy và học đa dạng, sinh động chuẩn bị sẵn và sắp xếp gọn gàng, khoa học. Trẻ tự khám phá, cảm nhận, tìm tòi, phát hiện… theo khả năng riêng. | Giáo cụ dạy và học ít, đơn giản theo dáng mô phỏng thực tế |
Thời gian học | Thời gian học tập linh hoạt, trẻ có thể học tập tại bất kỳ vị trí nào, tự do di chuyển nhưng không làm phiền đến bạn khác. | Thời gian học tập cố định theo thời khóa biểu chung của lớp học. Tất cả trẻ phải tuân thủ theo quy định của lớp. |
3. 9 nguyên tắc giáo dục Montessori cho trẻ từ 0-6 tuổi
Dưới đây là 9 nguyên tắc giáo dục theo phương pháp Montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi quan trọng ba mẹ cần nhớ:
Tôn trọng
Nguyên tắc tôn trọng trong phương pháp giáo dục Montessori là cha mẹ tôn trọng con cái. Tôn trọng con chính là cách gián tiếp dạy con hiểu tôn trọng và lịch sự với mọi người xung quanh như thế nào. Từ đó, trẻ sẽ hình thành những kỹ năng ứng xử và giao tiếp chuẩn mực trong suốt những năm tháng đầu đời.
Sự tôn trọng của cha mẹ dành cho con được thể hiện đơn giản qua việc đặt bản thân bạn vào vị trí của con và hỏi tại sao con lại làm những điều như vậy. Từ đó tôn trọng điều con nói, việc con làm và cảm xúc của con mọi lúc, mọi nơi.
Tự do di chuyển
Một trong những đặc điểm quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori là việc trẻ được tự do di chuyển, tự do lựa chọn hoạt động yêu thích. Chính vì vậy, ba mẹ nên đưa đến cho trẻ không gian và cơ hội để trẻ có thể di chuyển một cách tự do để khám phá môi trường xung quanh.
Đừng nhốt trẻ trong những “cái hang”, “cái hộp” mà bạn hay mọi người xung quanh tạo nên tạo nên. Tự do di chuyển theo ý mình sẽ khiến trẻ khám phá môi trường sống và trải nghiệm những kỹ năng vận động mới.
Ví dụ: Tùy theo độ tuổi, ba mẹ có thể tìm những nơi an toàn cho trẻ leo trèo, dạy trẻ đạp xe đạp, chạy bộ… Khi trẻ học cách di chuyển, trẻ có thêm cơ hội phát triển, học các kỹ năng mới. Qua đó trẻ khám phá thế giới và hiểu về thế giới đang diễn ra thế nào quanh mình.
Tự do lựa chọn
Nội dung phương pháp Montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi khẳng định trẻ được quyền tự do lựa chọn. Cho trẻ các lựa chọn là cách để ba mẹ thể hiện sự tôn trọng của mình với con. Tuy nhiên quyền lựa chọn các việc trong khuôn khổ phù hợp với lứa tuổi.
Việc cho trẻ tự do lựa chọn sẽ giúp trẻ hiểu trẻ luôn được tôn trọng và nên có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Tạo điều kiện cho con phát triển, con tự xác định được điều gì là phù hợp với mình. Điều này có lợi nhất với lứa tuổi từ 1-3 tuổi.
Cho trẻ các lựa chọn là cách để ba mẹ thể hiện sự tôn trọng của mình với con
Ví dụ, trẻ có thể chọn ăn tối lúc này hoặc ăn tối sau với người khác; chọn món ăn trong 1 bữa ăn đã được chuẩn bị; chọn mặc áo này với một trong hai màu…
Dạy trẻ tự lập
Hãy tạo cơ hội để trẻ tự làm mọi việc mà trẻ có thể làm, giúp trẻ tự khám phá, tự trải nghiệm và ghi nhớ lâu hơn. Hãy cố gắng đơn giản hóa các công việc liên quan đến trẻ, lập thành trình tự dễ thực hiện. Trao cơ hội cho trẻ tự thực hiện mặc quần áo, dọn đồ chơi, đánh răng…
Cha mẹ đừng quá căng thẳng, hãy cho con thực hiện theo đúng khả năng của mình. Thường xuyên quan sát mỗi hành động tự lập để hỗ trợ khi nên thiết và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ví dụ: Cho con tự ăn dù biết rõ sau mỗi bữa ăn là bãi chiến trường và có thể bé không ăn được nhiều. Nhưng con ăn theo đúng nhu cầu và có cơ hội thực hành kỹ năng sống.
Giao tiếp
Giao tiếp là nguyên tắc quan trọng trong phương pháp giáo dục sớm Montessori. Hãy luôn nói với trẻ bằng một giọng nói rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu và cụ thể. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, phát triển ngôn ngữ hàng ngày.
Hãy dạy cho trẻ biết cách lắng nghe người khác, không cắt lời, chen ngang khi mọi người đang nói. Hãy thường xuyên nói với trẻ về những việc xung quanh, đã và đang xảy ra để trẻ có thể phát triển vốn từ. Tôn trọng trẻ khi nói chuyện với chúng là cách hiệu quả để dạy trẻ giao tiếp đúng mực.
Ưu tiên đồ chơi, vật liệu nguồn gốc thiên nhiên
Thay vì mua những đồ chơi đắt tiền, ba mẹ có thể tự làm đồ chơi cho trẻ từ chất liệu thiên nhiên an toàn, thân thiện. Ba mẹ có thể tận dụng những hộp bìa cứng, bóng bay, các thanh vòng… sáng tạo thành đồ chơi thích hợp với trẻ.
Hãy đưa cho trẻ những đồ vật mà trẻ có thể cầm nắm được, kích thích các giác quan phát triển. Chọn sử dụng những đồ chơi kích thích trẻ dùng tay như thả bóng vào hộp, xếp các vòng tròn… tạo sự mới mẻ và hứng thú cho trẻ.
Hãy đưa cho trẻ những đồ vật mà trẻ có thể cầm nắm được, kích thích các giác quan phát triển
Đừng cho trẻ chơi những đồ chơi mà trẻ chỉ cần bấm một cái nút và rồi không cần phải làm gì nữa. Hãy dùng những đồ chơi giúp trẻ có thể tập trung thực sự nhiều hơn 2 giây, tạo sự bất ngờ và thú vị.
Hãy kiên nhẫn
Cha mẹ nên nhớ nguyên tắc kiên nhẫn với trẻ, đây là cách hạn chế làm tổn thương con. Cuộc sống với quá nhiều bận rộn, dễ khiến phụ huynh căng thẳng mà quên đi đứa con của mình. Dễ dẫn đến việc nổi nóng, la mắng, chỉ trích thậm chí sử dụng đòn roi khi trẻ vô tình mắc lỗi.
Ví dụ: Con là rơi vỡ bát đĩa khi mẹ bận rộn với chuyện bếp núc sau mỗi buổi đi làm muộn. Con vô tình là mất dữ liệu trên laptop khi bố đang làm công việc quan trọng. Nếu không kiên nhẫn, các bậc phụ huynh có thể ngay lập tức đánh mắng khiến con bị sợ hãi, hoảng hốt.
Đây chỉ là một số trong vô vàn trường hợp ba mẹ thiếu kiên nhẫn, không quan sát trẻ. Tuy nhiên cha mẹ nên để ý, chỉ một giây thiếu kiên nhẫn thôi, ba mẹ có thể vô tình tạo nên sự tổn thương sâu sắc cho con.
Thay vì phản ứng vội vàng, thái quá, hãy bình tĩnh lắng nghe, chia sẻ cảm xúc với con. Sau đó cùng con tìm ra hướng giải quyết tích cực nhất. Điều này sẽ khiến cho sợi dây kết nối giữa ba mẹ và con thêm bền chặt.
Hãy làm theo điều ba mẹ thấy là đúng nhất cho con
Đừng vì những áp lực dư luận hay những lời nhận xét từ mọi người xung quanh mà áp đặt những điều tiêu cực vào phương pháp dạy con của chính bạn.
Hãy tin vào chính bản thân mình rằng bạn đang làm điều đúng nhất cho con, nếu bạn cảm thấy như vậy. Đừng vì những áp lực dư luận hay những lời nhận xét từ mọi người xung quanh mà áp đặt những điều tiêu cực vào phương pháp dạy con của chính bạn.
Hãy yêu thương và hỗ trợ con
“Tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra giới hạn cho các hành vi” – Đó chính là một trong những câu nói nổi tiếng của tiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori. Chiêm nghiệm câu nói đó, ba mẹ dễ dàng nhận thấy rằng bất cứ mối quan hệ nào được vun đắp bằng tình yêu thương, để con trở thành những công dân hạnh phúc.
“Trẻ chỉ cư xử tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn” bởi vậy sức mạnh của tình yêu sẽ giúp trẻ thoải mái tâm lý, suy nghĩ tích cực và hành động đúng đắn. Cha mẹ hãy lắng nghe con bằng tình yêu thương, sẵn sàng hỗ trợ khi con cần trợ giúp.
Đừng quên thể hiện tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho con mỗi ngày. Trẻ sẽ được vun đắp tình yêu, cảm nhận niềm hạnh phúc, cảm nhận sự bình an khi có cha mẹ ở bên. Con trưởng thành trong hạnh phúc chính là điều tốt đẹp nhất mà ba mẹ mong muốn.