Nếu bạn không có thói quen nghĩ đến sự phát triển kỹ năng thực hành của con, bạn có thể sẽ không nhận thức đầy đủ được sự cần thiết của việc giúp con học cách quyết định và luyện tập để kỹ năng thực hành dần dần phát triển. Hãy quan sát những gì nhà trường và giáo viên làm để có cái nhìn tổng quan hơn về cách kỹ năng thực hành phát triển theo năm tháng.
1. Sơ lược
Thời gian chơi tự do cho trẻ cơ hội luyện tập một số kỹ năng thực hành độc lập hơn ít nhiều. Lúc này, trẻ sử dụng kỹ năng lên kế hoạch và tổ chức sắp xếp để tạo ra một số trò chơi và quyết định luật chơi. Chúng luyện tập khả năng linh hoạt bằng cách chơi theo vòng, chia sẻ đồ chơi, và cho phép trẻ khác lãnh đạo. Tương tác xã hội được thiết lập thông qua việc chơi tự do cho phép đứa trẻ học cách kiểm soát cơn bốc đồng và quản lý cảm xúc. Những kỹ năng này được củng cố khi giáo viên mầm non trao cho chúng một vài quy định đơn giản về hành vi (không chạy; nói năng nhỏ nhẹ trong lớp học) và tái đánh giá các quy định này thường xuyên.
Đến lớp 1, trẻ đã điều chỉnh hành vi tốt hơn để phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau. Giáo viên cũng đưa ra các yêu cầu để giúp trẻ học cách khởi đầu công việc và duy trì sự tập trung. Yêu cầu về bộ nhớ làm việc ở độ tuổi này cũng ngày càng lớn hơn so với tuổi mầm non. Giáo viên giao bài tập về nhà và mong đợi đứa trẻ nhớ, họ giao giấy thông báo và yêu cầu trẻ đưa bố mẹ ký, v.v... Tất nhiên, bạn cũng sẽ giúp trẻ trong chuyện này bằng cách hỏi han con hoặc đảm bảo ba lô của con được sắp xếp đầy đủ trước khi đến trường.
Cuối bậc tiểu học, giáo viên bắt đầu giúp trẻ phát triển kỹ năng sắp xếp tổ chức và lên kế hoạch một cách trực tiếp hơn. Họ kỳ vọng đứa trẻ ghi nhớ các tài liệu, quản lý sách vở sạch sẽ và giữ cho bàn học ngăn nắp. Giáo viên cũng bắt đầu giao những bài dài hơi và yêu cầu trẻ tuân thủ quy trình. Bài tập bắt đầu mở hơn, kích thích trẻ sử dụng nhận thức tổng quan và sự linh hoạt để giải quyết vấn đề.
Khi trẻ lên cấp hai, yêu cầu về kỹ năng thực hành tăng cao đáng kể. Đối với hầu hết mọi đứa trẻ, cấp hai là quãng thời gian đầu tiên chúng có nhiều giáo viên, mỗi giáo viên đều có kỳ vọng riêng về công việc học tập. Yêu cầu về bộ nhớ làm việc, lên kế hoạch, sắp xếp tổ chức và quản lý thời gian cũng theo đó mà tăng lên. Vậy bố mẹ có thể giúp gì trẻ trong vấn đề này? Thật là tuyệt nếu bố mẹ có thể giám sát và kiểm tra bài tập về nhà của con để biết con phát triển khả năng tự quản lý bản thân khá tốt hay chưa đạt đến mức đó. Trong trường hợp “chưa đạt đến mức đó”, chúng tôi khuyên bạn nên kiểm tra bài về nhà của trẻ hằng ngày, giúp trẻ chú ý các bài tập dài hơi và hỏi trẻ về cách trẻ định học để chuẩn bị cho bài kiểm tra.
Hãy nghĩ đến cách giáo viên sử dụng để phân bổ các hoạt động trong ngày, chỉ dẫn cho trẻ, giám sát công việc của chúng để đảm bảo rằng chúng hiểu và tuân theo trong suốt các bài tập. Hãy nghĩ đến cách họ tổ chức lớp học để giúp học sinh dễ dàng tuân thủ các yêu cầu. Bạn sống một cuộc sống bận rộn, và thật là thiếu thực tế nếu bạn chỉ dành cả ngày để giám sát sự phát triển kỹ năng thực hành ở con. Nhưng nếu con thiếu một số kỹ năng quan trọng, bạn sẽ thấy có ích khi áp dụng một số chiến lược mà giáo viên áp dụng trong quản lý con trẻ tại nhà.
2. Làm thế nào để nhận biết con đang ở mức độ nào ?
Có rất nhiều cách để đánh giá xem sự phát triển của con bạn đã đến tầm so với kỹ năng thực hành đó hay chưa.
Con có đạt được mức kỳ vọng thông thường ở trường không?
Nhìn chung, nếu con học tốt tại trường – đạt điểm số ổn và đảm bảo được những yêu cầu về trách nhiệm khác cũng như bài tập về nhà – thì có thể, những kỹ năng thực hành của con đang phát triển tốt đẹp. Tất nhiên, con có thể làm tốt ở trường nhưng chưa tốt ở nhà, và đó là lý do bạn đang đọc cuốn sách này. Điều này có thể xảy ra vì rất nhiều lý do như ở nhà không quy củ bằng ở trường, ở nhà căng thẳng hơn (như anh chị em hay chành chọe nhau), hoặc kỳ vọng vào kỹ năng thực hành không phù hợp với sự phát triển của trẻ (quá cao hoặc quá thấp). Sự yếu kém trong kỹ năng thực hành của chính bạn cũng có thể khiến nhà trở thành nơi thách thức hơn với trẻ.
Con bạn đang phát triển thế nào so với những trẻ khác?
Sẽ thật hữu ích khi so sánh con với bạn bè để ước đoán sơ qua liệu các kỹ năng thực hành của con có đang phát triển bình thường hay không. Hãy nhớ rằng, luôn có rất nhiều cách phát triển bình thường và ở cùng một thời điểm nhất định, trẻ em phát triển không giống hệt nhau.
Nếu cảm thấy con chậm phát triển các kỹ năng thực hành, bạn có lẽ nên trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm của con để có góc nhìn và nhận xét khách quan từ một người khác. Bạn cũng có thể nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của con, đặc biệt khi bạn nghĩ kỹ năng thực hành yếu kém của con có thể liên quan đến sự rối loạn chú ý .
Có tiêu chuẩn rõ ràng về thế mạnh và điểm yếu về kỹ năng thực hành của con không?
Thông thường, trẻ em (và cả người lớn) đều có một số kỹ năng mạnh hơn và yếu hơn so với các cá nhân khác. Chẳng hạn như, trẻ em với khả năng kiềm chế phản ứng kém cũng thường kiểm soát cảm xúc kém. Những trẻ thiếu linh hoạt cũng có xu hướng kiểm soát cảm xúc kém – một sự thay đổi bất ngờ trong kế hoạch có thể khiến chúng hoang mang. Đôi khi, trẻ em yếu kém cả ba kỹ năng thực hành (ức chế phản ứng, kiểm soát cảm xúc và linh hoạt). Những trẻ với khả năng khởi đầu công việc kém cũng thường duy trì sự tập trung kém, hệ lụy là ít kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu lòng kiên trì theo đuổi mục tiêu là thế mạnh của trẻ, chúng ta có thể khuyến khích con sử dụng kỹ năng đó để vượt qua sự yếu kém trong khởi đầu công việc và duy trì tập trung. Một tổ hợp thường thấy nữa là quản lý thời gian và lên kế hoạch/thiết lập ưu tiên. Những đứa trẻ có thế mạnh này thường ít khi gặp vấn đề trong việc xử lý các dự án dài hơi. Tuy nhiên, nếu đó là điểm yếu, chúng không chỉ không biết bắt đầu từ đâu, mà còn không biết khi nào nên bắt đầu. Cuối cùng, chúng ta thường thấy một mối liên hệ giữa bộ nhớ làm việc và khả năng sắp xếp tổ chức. Đôi lúc trẻ sử dụng sức mạnh của kỹ năng này để bù đắp cho sự yếu kém trong kỹ năng kia (phòng của bạn bừa bãi thế nào cũng được, miễn là bạn có thể nhớ chính xác nơi bạn để tấm bảo vệ đầu gối của mình). Không may, thông thường hầu hết trẻ em có trí nhớ làm việc kém cũng có kỹ năng tổ chức sắp xếp kém. Đây là những trẻ mà bố mẹ cần đầu tư thêm thời gian để con sẵn sàng khi tham gia trận cầu giao hữu – bạn sẽ phải lục tung đống bừa bãi để tìm dụng cụ thể thao cho con.
3. Tư vấn cho Phụ huynh
Đầu tư vào thế mạnh
Bạn nên sử dụng những thông tin trên thế nào để giúp con?
Hãy quan sát những thế mạnh trong kỹ năng thực hành của con – đó chính là những kỹ năng bạn có thể tận dụng để giúp con thực hiện hiệu quả các hoạt động thường nhật. Bạn cũng có thể bồi đắp sức mạnh kỹ năng thực hành cho con bằng cách nói rằng con đặc biệt giỏi kỹ năng nào đó và động viên con sử dụng nó hiệu quả. Chẳng hạn, nếu con khá tốt trong kỹ năng khởi đầu công việc, cô bé sẽ giỏi hơn nữa nếu được khen ngợi về kỹ năng đó, như là “Mẹ thích việc con bắt đầu làm bài về nhà trước bữa tối.” Có lẽ, kỹ năng mạnh nhất của con vẫn chưa thực sự hiệu quả (trong trường hợp này, tổng điểm trung bình thường nhỏ hơn 9). Cho dù vậy, bạn vẫn có thể bồi đắp kỹ năng này bằng cách ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực của con. Khen ngợi trẻ trong việc sử dụng kỹ năng thực hành không chỉ cần thiết đối với các thế mạnh. Bất cứ khi nào thấy con làm tốt một kỹ năng nào đó, việc khen ngợi có thể giúp con xây dựng kỹ năng đó. Đây hóa ra lại là chiến lược được thầy cô và cha mẹ sử dụng ít nhất khi muốn thúc đẩy con xây dựng kỹ năng và hành xử đúng mực.
Chỉ rõ điểm yếu
Giờ hãy quan sát những điểm yếu trong kỹ năng thực hành của con. Bạn có thể làm gì với những điểm yếu này? Phần III của cuốn sách sẽ đề cập từng kỹ năng thực hành và cả chiến lược can thiệp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của chúng và giúp trẻ nâng cao năng lực sử dụng kỹ năng đó. Bạn có thể muốn nhảy cóc và đọc trước các chương đề cập đến điểm yếu của con, đặc biệt nếu chính bạn cũng gặp phải vấn đề trong việc kiềm chế phản ứng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích bạn đọc lần lượt các chương trong sách trước khi thực sự bắt tay vào hành động, bởi chúng tôi đang cố gắng xây dựng một nền tảng giúp bạn xác định được cách can thiệp hiệu quả nhất dựa trên trình độ phát triển và bản chất những khó khăn của con.