Sau các đợt xuất bán 150 tấn thanh long ruột đỏ cho doanh thu gần 3 tỷ đồng, những ngày này, các xã viên HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô đang tập trung bón phân, tỉa nhánh để 13,6 ha thanh long ruột đỏ ra đợt hoa, đậu quả đợt mới vào đầu năm 2021.
Hợp tác xã Lộc Thúy Quỳnh với sản phẩm Thanh long đạt Chuẩn
Chị Trần Thị Thúy, Giám đốc HTX cho biết, như nhiều hộ dân ở các xã Tân Lập, Nhạo Sơn của huyện Sông Lô, gia đình chị chuyển 6 sào đất đồi sang trồng thanh long ruột đỏ từ năm 2015. Nhờ chịu khó và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, tỉa nhánh, bón phân, chăm sóc thời kỳ ra hoa, đậu quả nên vườn thanh long đậu nhiều quả nhưng thị trường tiêu thụ khá bấp bênh. Hầu hết thanh long của gia đình và gần 30 hộ ở Tân Lập, Nhạo Sơn đều phải chở ra bán ở các chợ truyền thống hoặc xuất bán cho các lái buôn với giá bấp bênh.
Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh tham gia hội chợ hàng Việt tại tỉnh Phú Thọ năm 2020
Để mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm được đầu ra ổn định cho thanh long ruột đỏ, năm 2018, chị Trần Thị Thúy đã thành lập HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên. Năm 2019, HTX được Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn các xã viên áp dụng quy trình sản xuất thanh long ruột đỏ theo chuẩn VietGAP, không dùng hóa chất cấm, không dùng thuốc bảo vệ không có trong danh mục được phép sử dụng.
Nhờ áp dụng tốt các bước sản xuất theo chuẩn VietGAP, vườn thanh long ruột đỏ của các thành viên HTX cho năng suất, chất lượng quả tốt hơn. Đặc biệt, năm 2019, việc được cấp giấy chứng nhận VietGAP đã tạo ra bước ngoặt mới để HTX vươn lên khẳng định thương hiệu sản phẩm. Hiện 100% thanh long ruột đỏ của các hộ thành viên được HTX đứng ra thu mua với giá ổn định và luôn cao hơn từ 10-20% so với giá thu mua của các thương lái.
Theo chị Thúy, ngoài trồng thanh long, các thành viên HTX còn trồng gần 1ha măng tây và dưa chuột an toàn mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Với chất lượng quả tốt, 3 năm qua, các sản phẩm của HTX, nhất là thanh long ruột đỏ đã được chọn tham gia trưng bày ở nhiều sự kiện, hội chợ, chương trình quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, HTX đã ký được nhiều đơn hàng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn. Ước tính năm 2020, HTX xuất bán ra thị trường trên 150 tấn quả với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Sông Lô đã lựa chọn thanh long ruột đỏ của HTX là một trong những sản phẩm đặc trưng để tham gia chương trình, hiện HTX đang hoàn tất các quy trình, thủ tục để được đánh giá, xếp hạng sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với giấy chứng nhận sản xuất theo chuẩn VietGAP, giấy chứng nhận OCOP sẽ là hồ sơ pháp lý quan trọng, tạo cơ hội để sản phẩm của HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh khẳng định chỗ đứng trên thị trường và tham gia vào các thị trường cao cấp hơn.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Vĩnh Phúc
- Cre: Thanh Nga
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập đường link bên dưới...