Anh Đoàn chia sẻ: Nuôi ong “ngoại” đòi hỏi phải có kỹ thuật. Trước vụ hoa khoảng 1,5 – 2 tháng thì người nuôi bắt đầu nhân đàn, sau đó, cứ đến tháng 2, 3, 10, 11, 12 tiến hành thu mật; một năm thu từ 2 – 3 vụ mật.
Anh Đoàn chia sẻ
ĐBP – Năm 1996, anh Đỗ Xuân Đoàn, đội 10, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên đầu tư nuôi ong mật. Lúc đầu, anh Đoàn nuôi thử nghiệm 10 đàn lấy mật để bán lẻ trong xã. Sau vài năm có kinh nghiệm nuôi ong, anh Đoàn thấy Sam Mứn có lợi thế gần rừng, nhiều loài hoa tự nhiên, phát triển nghề nuôi ong rất thuận lợi bởi nguồn thức ăn dồi dào quanh năm. Do đó, từ 10 đàn ong mật giống địa phương đầu tiên, đến nay anh Đoàn đã phát triển gần 300 đàn ong; chủ yếu là giống ong Ý (nhập ngoại) lấy mật để xuất khẩu; sản lượng mật cao gấp 3 – 4 lần so với ong mật địa phương, cho thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/năm.
Anh Đoàn kiểm tra chất lượng các cầu ong.
Anh Đoàn chia sẻ: Nuôi ong “ngoại” đòi hỏi phải có kỹ thuật. Trước vụ hoa khoảng 1,5 – 2 tháng thì người nuôi bắt đầu nhân đàn, sau đó, cứ đến tháng 2, 3, 10, 11, 12 tiến hành thu mật; một năm thu từ 2 – 3 vụ mật. Có số lượng đàn ong nhiều, vì vậy hàng năm anh Đoàn phải di chuyển đàn ong theo nguồn hoa. Cứ đến tháng 6 hàng năm anh di chuyển đàn ong đến các tỉnh, như: Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La (nơi có nguồn hoa phong phú). Chi phí cho một đàn ong Ý vào khoảng 2 triệu đồng (tiền ong giống, tiền đóng cầu và đóng thùng nuôi). Mỗi thùng ong Ý thu từ 70 – 80kg mật/năm; với giá mật ong dao động 100.000 – 150.000 đồng/kg, mỗi năm thu khoảng 10 triệu đồng/đàn.
Sáng tạo không ngừng để giảm chi phí, giảm công lao động mà lại tăng số lượng mật ong, anh Đoàn đã đầu tư 70% số lượng thùng nuôi ong theo thiết kế 2 tầng có diện tích gấp đôi so với thùng ong thông thường với 2 tầng tách biệt để ngăn riêng phần mật, khi lấy mật đỡ mất nhiều công vắt. Diện tích thùng lớn nên sẽ tăng lượng ong gấp 3 lần, do đó mỗi thùng như vậy tăng thêm 7kg mật/đàn.
Để đảm bảo thị trường cho sản phẩm, hàng ngày, anh Đỗ Xuân Đoàn sử dụng thư điện tử (email) để liên hệ, trao đổi thông tin với các đối tác; tự quảng bá thương hiệu mật ong trên mạng internet bằng việc thành lập trang mua bán trực tuyến, giới thiệu sản phẩm. Do đó, mật ong của anh Đoàn được xem là một địa chỉ tin cậy về chất lượng. Từ năm 2012 đến nay, anh đã mời nhiều lượt chuyên gia về ong tới xã Sam Mứn để giúp anh lai tạo ra những giống ong có chất lượng mật vượt trội. Mỗi năm anh Đoàn thu hoạch khoảng 20 tấn mật ong; hiện nay, không chỉ đơn thuần cung cấp mật ong, mà anh còn cung cấp giống ong cho những hộ nuôi ong có nhu cầu phát triển thêm giống ong ngoại. Bên cạnh đó, gia đình anh còn cung cấp ra thị trường sản phẩm sữa ong chúa.
Thành công từ dám đầu tư, chuyển đổi mô hình để đáp ứng nhu cầu mật ong ngày càng cao của thị trường, đến nay anh Đoàn được biết đến như một triệu phú nuôi ong ở xã Sam Mứn. Từ thành công của mình, anh Đoàn đã phổ biến kinh nghiệm cho nhiều hộ trong xã với mong muốn, đưa sản phẩm mật ong Sam Mứn tới nhiều nơi trong nước và nước ngoài.
Bài, ảnh: Thành Đạt
***baodienbienphu.com.vn