Có thể mọi người cho rằng chúng ta ngừng đặt câu hỏi vì chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời rất dễ dàng với Internet, Google, gõ những từ khóa và nhận được kết quả trong chưa đến một giây. Chúng ta thậm chí còn đang bị quá tải thông tin. Tuy nhiên, Công nghệ chỉ trả lời các câu hỏi thay vì giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi hay hơn. Những cỗ máy khiến những câu trả lời được đưa ra nhanh hơn, chính xác hơn và có chuyên môn cao, nhưng đồng thời khiến cho giá trị của những câu trả lời giảm đi.
Trong thời đại mà “cái gì không biết thì tra Google”, chúng ta được giúp đỡ rất nhiều trong việc “hiểu biết”. Nhưng chỉ qua những câu hỏi hiệu quả, con người mới có thể khai thác những thông tin đã biết để hoàn toàn khám phá, thăm dò, tiếp cận và vượt ra khỏi giới hạn với những khởi đầu đột phá.
Những ý tưởng đột phá được bắt đầu bằng những câu hỏi. “Tại sao quả táo lại rơi xuống mà không bay lên?” Có lẽ Newton không phải là người đầu tiên bị một vật gì đó rơi trúng đầu, nhưng ông là người đầu tiên đặt câu hỏi về điều mà không ai để ý, và say mê tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà những người khác bỏ qua. Một câu hỏi hay có thể bắt đầu cho những câu hỏi mới, những nghiên cứu kéo dài hàng thập kỉ, hay thay đổi cả suy nghĩ và tư tưởng.