Đây là bản dịch tiếng Việt của tham luận (bằng tiếng Anh) của TS. Trần Đức Anh Sơn đã viết để tham gia “Conference on Nguyen Vietnam: 1558 – 1885” (Hội thảo về nhà Nguyễn ở Việt Nam, giai đoạn 1558 – 1885), do Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Nhân văn Hương Cảng
Hai chuyến công vụ Quảng Đông
Đây là bản dịch tiếng Việt của tham luận (bằng tiếng Anh) của TS. Trần Đức Anh Sơn đã viết để tham gia “Conference on Nguyen Vietnam: 1558 – 1885” (Hội thảo về nhà Nguyễn ở Việt Nam, giai đoạn 1558 – 1885), do Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Nhân văn Hương Cảng (thuộc Hương Cảng Trung văn Đại học) phối hợp với Viện Harvard Yenching (thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ) tổ chức tại Hong Kong từ ngày 11/5 đến ngày 12/5/2012.
Phần 1
- Thân thế và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ
Đặng Huy Trứ, tự là Hoàng Trung, hiệu là Vọng Tân và Tĩnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong một gia đình nhà nho có nhiều người đỗ đạt và tham gia vào bộ máy chính quyền của triều Nguyễn (1802-1945).1
Cha của ông là Đặng Văn Trọng (1799-1849), hiệu là Dịch Trai, vốn là một nho sĩ, theo đuổi con đường khoa cử nhưng sau 5 lần đi thi chỉ đỗ tú tài, không được bổ nhiệm làm quan mà lui về quê hương mở trường dạy học.
Đặng Huy Trứ là con trai thứ ba của ông Đặng Văn Trọng và bà Trần Thị Minh, nhưng ngay sau khi sinh, ông được gửi cho dì ruột chăm sóc, nuôi nấng, đến năm 12 tuổi mới được cha mẹ ruột đón về ở cùng.
Năm 1843, Đặng Huy Trứ cùng đi thi Hương với cha và đỗ cử nhân khi mới 18 tuổi, trong khi cha ông chỉ đỗ tú tài. Cũng trong năm này, ông được bác ruột là Đặng Văn Hòa, bấy giờ đang là Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn, cho theo học với Thị lang bộ Hình là tiến sĩ Trương Quốc Dụng để thâu nạp thêm kiến thức, chuẩn bị cho con đường khoa cử sau này. Năm 1844, Đặng Huy Trứ đi thi Hội, bị trượt, nhưng được chọn vào học ở Quốc Tử Giám.
Năm 1846, Đặng Huy Trứ về làng Thanh Lương mở lớp dạy học cho trẻ em ở quê nhà và tiếp tục trau dồi kinh sử chờ ngày ứng thí kỳ thi Hội kế tiếp.
Năm 1847, Đặng Huy Trứ lại đi thi Hội, trúng cách tiến sĩ và được chọn vào thi Điện (hay thi Đình). Tuy nhiên, do ông dùng chữ bất cẩn trong bài thi Điện, phạm đến quý hương của nhà vua2, nên ông bị cách cả học vị tiến sĩ lẫn cử nhân và bị phạt đánh 100 roi. Rất may là ngay trong mùa thu năm ấy, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp Tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua Thiệu Trị, Đặng Huy Trứ tham dự khoa thi Hương này và thi đỗ Giải nguyên.
Năm 1848, trong lúc chờ triều đình bổ nhiệm ra làm quan, Đặng Huy Trứ đi vào Vĩnh Điện (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hành nghề dạy học. Ít lâu sau, ông trở về mở lớp dạy học ở An Xuyên (nay thuộc làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1849, ông vào Hội An (Quảng Nam), dạy học ở trường tư thục Thanh Hương, ngôi trường do Lý Mậu Thụy, một Bang trưởng người Minh Hương ở Hội An, mở ngay trong nhà của mình. Trong thời gian dạy học ở Hội An, Đặng Huy Trứ đã viết cuốn Sách học vấn tân, là cuốn sách đầu tiên trong văn nghiệp của ông. Năm 1851, Đặng Huy Trứ trở về Thừa Thiên, mở lớp dạy học ở Mỹ Xuyên (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), đến mùa thu năm ấy thì ra Hà Nội, viết sách và kết bạn tâm giao với một số sĩ phu Bắc Hà như Vũ Tá Trứ, Nguyễn Sĩ Phủ, Trương Bằng Hiên… Năm 1852, Đặng Huy Trứ trở lại Thừa Thiên, mở lớp dạy học ở Ưu Điềm (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đến năm 1854, ông trở lại Mỹ Xuyên mở trường tư thục Phong Mỹ để dạy học. Trong thời gian này, ông đã biên soạn các cuốn sách: Vũ kinh, Nhị thập tứ hiếu, Sĩ nông công thương tứ gia lạc.
Trong khoảng thời gian hành nghề dạy học từ năm 1846 đến năm 1854, Đặng Huy Trứ đã đem hết tâm huyết và năng lực để truyền dạy kiến thức và nhân cách cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò của ông đã đỗ đạt trong các khoa thi do triều đình tổ chức trong thời gian này, được bổ nhiệm ra làm quan, nhưng do Đặng Huy Trứ bị vướng vào “vụ án văn chương” vào năm 1847, nên ông vẫn chưa có chỗ đứng trong quan trường.
Năm 1855, nhờ sự ân xá của vua Tự Đức, Đặng Huy Trứ được phép tham dự khoa thi Hội năm Ất Mùi. Ông thi đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan dưới triều Tự Đức (1848-1883).
Tháng 8/1856, chiến thuyền Catinat của Pháp đến bắn phá các đồn lũy ở cửa biển Trà Sơn (Đà Nẵng), cướp bóc và bắt giữ quan quân. Triều đình sai Trần Hoằng, Đào Trí và Nguyễn Duy đem quân từ Huế vào tăng viện, đánh đuổi tàu Pháp và tăng cường phòng thủ bờ biển Đà Nẵng. Tháng 10 năm đó, Đặng Huy Trứ được cử đi kiểm tra tàu thuyền và binh bị ở Đà Nẵng. Ông đã viết bài thơ Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại), luận bàn việc “nên chiến hay nên hòa” với người Pháp.3
Từ năm 1857 đến năm 1863, Đặng Huy Trứ lần lượt giữ các chức vụ: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Thiên Trường, (Nam Định), rồi trở về kinh đô Huế giữ chức Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh…
Đầu năm 1864, Quảng Nam bị hạn nặng, dân tình bị đói, sĩ phu xứ Quảng dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân. Triều đình phê chuẩn, thăng cho Đặng Huy Trứ tước Hồng lô tự khánh và cử ông vào giữ chức Bố chính Quảng Nam.4 Vào nhậm chức ở Quảng Nam, Đặng Huy Trứ dâng sớ về kinh đô, xin thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài và làm việc trì trệ; tổ chức thực hiện những biện pháp cứu đói, giải quyết hậu quả của nạn hạn hán và lụt bão, khơi thông sông ngòi để làm thủy lợi và tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy. Ông đề xuất với triều đình lập các kho “nghĩa thương” ở các địa phương để tích trữ lương thực cứu đói cho dân nghèo; cho phép thu thuế bằng hiện vật đối với các hộ làm nghề thủ công; cho các hộ làm nghề dệt cửi lĩnh trước tiền mua nguyên vật liệu về dệt và bán hàng cho nhà nước; kiến nghị thành lập “nghĩa trang” ở các địa phương để chôn cất những người chết vào những nơi được quy hoạch. Phần lớn những kiến nghị của Đặng Huy Trứ đã được triều đình chấp thuận và cho thực hiện.5
Từ tháng 7 đến tháng 11/1865, theo lệnh của triều đình, Đặng Huy Trứ cải trang thành người Thanh (Trung Hoa) đi sang Quảng Đông để làm nhiệm vụ “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây).
Năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Ông đề xuất với triều đình thành lập Ty Bình chuẩn đặt tại Hà Nội để lo việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Đề xuất của ông được vua Tự Đức chấp thuận. Ông được cử ra Hà Nội lập Ty Bình chuẩn, giữ chức Bình chuẩn sứ, mở nhiều hiệu buôn để lo việc kinh tài cho triều đình.
Từ tháng 6/1867 đến tháng 12/1868, Đặng Huy Trứ lại được triều đình cử đi công vụ ở Quảng Đông lần thứ hai. Trong chuyến đi này ông bị ốm nặng, phải lưu lại xứ người hơn 1 năm trời. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Quảng Đông, ông đã biên soạn một số tác phẩm như: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Tứ giới, Tứ thập bát hiếu,… Sau khi khỏi bệnh, Đặng Huy Trứ đã tìm mua tân thư và binh thư, máy móc, vũ khí gửi về nước. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, tìm mua vật dụng nghề nhiếp ảnh để sau khi về nước thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà ở Hà Nội (1869). Đây là hiệu nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam và sau này Đặng Huy Trứ được tôn vinh là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
Năm 1869, Đặng Huy Trứ được cử làm Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, rồi làm Khâm phái Thương biện quân vụ Sơn – Hưng – Tuyên (gồm các tỉnh: Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang). Năm 1871, ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái (gồm các tỉnh: Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Ninh – Thái Nguyên) và được phái lên biên giới phía bắc giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp giặc phỉ (cùng với nhiều quan lại khác như: Hoàng Diệu, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Mậu Kiến, Phạm Thận Duật…).6
Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa, tiếp tục tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7/8/1874 tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng. Trước khi qua đời, Đặng Huy Trứ bày tỏ nguyện vọng được an táng ở ngay tại nơi ông mất. Tuy nhiên, sau khi được báo tin, vua Tự Đức ra lệnh cho quan tỉnh Hà Nội đưa thi hài của Đặng Huy Trứ về an táng tại quê nhà và cấp cho gia đình ông 100 quan tiền để lo hậu sự.7
- Những chuyến công vụ ở Trung Hoa của Đặng Huy Trứ
2.1. Đi sứ và đi công vụ
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1771-1801), Nguyễn Ánh lên ngôi, trở thành vua Gia Long, chính thức lập ra triều Nguyễn (1802-1945). Triều Nguyễn tiếp tục duy trì mối quan hệ “thần phục” với triều Thanh (1644-1911) ở Trung Hoa nên thường xuyên cử các sứ bộ sang Bắc Kinh với nhiều mục đích khác nhau.
Theo một quy định về việc Việt Nam cử sứ bộ sang triều kiến nhà Thanh do hoàng đế Càn Long (1736-1795) ban hành vào năm 1792 và được nhắc lại trong một chỉ dụ vào năm 1838, thì:
– Triều đình Việt Nam, cứ 2 năm một lần, phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa và cứ 4 năm phải có một sứ bộ sang chầu.
– Việt Nam cũng phải cử sứ bộ đến Bắc Kinh mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (đểchúc mừng).
Ngoài ra, Việt Nam còn cử sứ bộ sang nước Thanh trong các trường hợp sau: cáo ai (báo tang) một vị vua Việt Nam vừa mất; cầu phong (xin phong vương) cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương; chúc mừng sinh nhật hoàng đế và các thành viên trong hoàng gia nhà Thanh; mua sắm vật dụng cho triều đình; giải quyết các vụ vi phạm biên giới và các vấn đề dân sự như trao trả những người Trung Hoa bị đắm tàu trên lãnh hải Việt Nam; áp giải các tội phạm Trung Hoa trao trả cho Thanh triều; truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Hoa…
Dưới triều Tự Ðức, triều đình còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống phỉ; để do thám hoạt động của các nước phương Tây ở Hương Cảng và Thiên Tân để mua vũ khí, tàu chiến và máy móc cho triều đình. Sau khi kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885), vua Hàm Nghi còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống Pháp.9 Các chuyến đi vì những mục đích này, sử sách triều Nguyễn thường dùng thuật ngữ đi công vụ hay đi công cán thay vì đi sứ.10
Chuyến đi Trung Hoa lần thứ nhất của Đặng Huy Trứ vào năm 1865, cũng như chuyến đi lần thứ hai trong hai năm 1867-1868, không phải là chuyến đi sứ đến Bắc Kinh để thực thi nhiệm vụ ngoại giao như thường lệ, mà là những chuyến công vụ đến tỉnh Quảng Đông để thực hiện những nhiệm vụ bí mật mà triều đình giao phó. Vì thế, những chuyến đi này của Đặng Huy Trứ không được chính sử của triều Nguyễn ghi nhận.11
2.2. Chuyến công vụ thứ nhất (năm 1865)
* Bối cảnh và mục đích chuyến đi
Sau khi tấn công vào cửa biển Đà Nẵng và gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Đà Nẵng vào tháng 8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha bỏ Đà Nẵng, quay vào tấn công Gia Định ở miền nam Việt Nam. Từ năm 1858 đến năm 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần lượt đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Quan quân triều Nguyễn, dù hết sức kháng cự nhưng vẫn thất bại trước sức mạnh của liên quân hai nước phương Tây, buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký kết Hòa ước Nhâm tuất (1862) với Pháp và Tây Ban Nha. Bản hòa ước này gồm có 12 điều khoản, trong đó có hai điều khoản rất quan trọng là: Việt Nam nhượng đứt cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (luôn cả Mỹ Tho) và đảo Pulo Condor (Côn Sơn) (điều 3); Việt Nam phải bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha số tiền 4 triệu đô la (tương đương 2.880.000 lạng bạc lúc bấy giờ.12
Trong khi đó, nội bộ triều Nguyễn có sự chia rẽ sâu sắc. Vua Tự Đức và một số đại thần như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp… chủ trương thực hiện các điều khoản đã ký kết trong Hòa ước Nhâm tuất với hy vọng sẽ làm người Pháp hài lòng và không mở rộng chiến tranh ra khắp Nam Kỳ và khi có điều kiện sẽ chuộc lại các tỉnh đã mất. Vì thế, vua Tự Đức ra lệnh bãi binh kháng Pháp ở chiến trường miền nam. Trong khi, nhiều đại thần như Nguyễn Tri Phương, Phạm Phú Thứ, Đỗ Quang… không tin vào kế sách “hòa với Pháp” để giữ đất, nên một mặt họ phải vâng mệnh vua, tránh xung đột trực diện với Pháp; mặt khác họ đề xuất nhiều biện pháp cải cách nhằm tăng cường sức mạnh và tiềm lực của đất nước như: cải cách binh bị để tăng khả năng chiến đấu của quân đội, cải cách thuế khóa để tăng nguồn thu cho ngân khố quốc gia, cải cách thi cử để tuyển chọn người tài ra phục vụ đất nước…13
Đặng Huy Trứ lúc này đang giữ chức Bố chính Quảng Nam, tuy là một chức quan hạng trung, nhưng là một người có lòng yêu nước, thương dân, có đầu óc thức thời, đã nhận thức được muốn đánh thắng ngoại bang, cần phải có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Vì thế, ông không chỉ quan tâm đến nông nghiệp mà còn nhận thấy vai trò to lớn của công nghiệp và thương nghiệp đối với nền kinh tế của nước nhà. Ông đề xướng chủ trương mở mang công nghệ, kỹ nghệ; lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc; lập cục dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập kỹ nghệ ở các nước phát triển để sau này về giúp nước nhà “tự cường, tự chủ”. Tinh thần canh tân của Đặng Huy Trứ đã được vua Tự Đức và nhiều đại thần trong triều biết đến. Nhiều đề xuất về mở mang buôn bán, chăm lo đời sống của nhân dân, cải cách thuế khóa để gia tăng nguồn lực cho nhà nước của Đặng Huy Trứ đã được triều đình tán đồng và thực hiện.
Ông cũng là người theo đường lối “chủ chiến”, không tin vào kế sách “nhân nhượng với Pháp để giữ đất” đang được triều đình thực hiện, mà chủ trương xây dựng quân đội hùng mạnh, đủ sức đối phó với giặc. Muốn làm được điều đó, cần phải đi ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học kỹ thuật để đem về ứng dụng ở Việt Nam. Một trong những nơi ông mong mỏi được đến lúc bấy giờ là Quảng Đông.14
Đối với những người theo phái “chủ chiến”, dù đã mất 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ vào tay người Pháp, nhưng họ vẫn mưu tính kế sách chống Pháp lâu dài. Họ muốn cử người sang Quảng Đông (bấy giờ bao gồm cả Hương Cảng và Ma Cao), là nơi có nhiều nước phương Tây đang hoạt động, để dò xét tình hình các nước này, để học hỏi khoa học kỹ thuật, tiếp cận tân thư và tìm mua vũ khí chuyển về nước để chống Pháp.15
Chủ trương cử người sang Quảng Đông của phái “chủ chiến” nhận được sự tán đồng của vua Tự Đức, bởi lẽ nhà vua cũng muốn cử người sang Hương Cảng để kiểm tra và tiếp nhận chiếc tàu do những người thợ được triều đình cử sang học tập kỹ nghệ đóng tàu của người Anh thực hiện, nay đã sắp hoàn thành16, đồng thời, tìm mua vật dụng, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhà vua và hoàng gia.
Từ chủ trương trên, thự Thượng thư bộ Hộ kiêm Cơ Mật viện đại thần Phạm Phú Thứ, một người thuộc phái “chủ chiến”, ủng hộ cải cách, đã vận động triều đình cử Đặng Huy Trứ đi Quảng Đông để thực hiện mục đích “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây) này. Phạm Phú Thứ nói: “Việc này không ai làm hơn Đặng Huy Trứ được”.17
Sở dĩ Đặng Huy Trứ được Phạm Phú Thứ tiến cử đi Quảng Đông lần này là vì ông là người có đầu óc canh tân, ủng hộ đường lối “chủ chiến” với tinh thần tự lực, tự cường. Ngoài ra, Đặng Huy Trứ còn là người thông thạo tiếng Quảng Đông do ông đã có 3 năm sống ở trong nhà của Lý Mậu Thụy, Bang trưởng Quảng Đông ở Hội An trong thời gian ông dạy học ở trường tư thục Thanh Hương do Lý Mậu Thụy khai lập.
Tuy nhiên, Đặng Huy Trứ lại cho rằng việc nhà vua chọn ông đi công cán Quảng Đông là do nhà vua hiểu tính khí thích bay nhảy của ông nên chọn. Ông viết: “Tính tôi khác người, thích bay nhảy, Hoàng thượng cũng biết. Hiểu con không ai bằng cha, hiểu bầy tôi không ai bằng vua. Cố nhiên như vậy?”.18 Ông cũng cho biết đây là một chuyến đi bí mật nên ông phải cải trang thành người Thanh để che giấu hành tung.19
* Những người đồng hành và hành trình đến Quảng Đông
Tháng 6/1865, Đặng Huy Trứ đang giữ chức Bố chính Quảng Nam thì được triều đình gọi về Huế để đi công cán Quảng Đông. Cùng đi công vụ với Đặng Huy Trứ lần này còn có hai quan chức của triều đình là Chu Văn Khoa20 và Nguyễn Tăng Doãn21, cùng các phu phen đi theo để phục dịch. Chu Văn Khoa được giao nhiệm vụ tìm mua hàng hóa, vật dụng cho nhà vua, còn Nguyễn Tăng Doãn có trách nhiệm kiểm tra tình hình đóng chiếc tàu hơi nước cho triều đình và tiếp nhận chiếc tàu sau khi hoàn thành để đưa về nước.
Sau khi nhận mệnh triều đình, Đặng Huy Trứ được nghỉ phép 10 ngày để chuẩn bị cho chuyến đi này.22 Ông về quê gốc ở làng Hiền Sĩ (nay thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), đi thăm mộ cha là Đặng Văn Trọng, thăm mộ mẹ là Trần Thị Minh,23 thăm mộ bác ruột là Đặng Văn Hòa24, rồi trở lại làng Thanh Lương bái yết nhà thờ gia tộc25 và từ biệt vợ con26 trước khi lên đường sang Quảng Đông.
Sáng ngày 16 tháng 6 năm Ất sửu (tháng 7/1865), Đặng Huy Trứ rời làng Thanh Lương bằng thuyền, xuôi theo dòng sông Bồ đến ngã ba Sình thì rẽ vào sông Hương. Thuyền ngược sông Hương, rồi rẽ vào sông An Cựu, đi đến cầu Thăng Tiên ở phía nam Kinh Thành Huế thì lên bờ đi bộ về phía nam theo đường cái quan.27
Ngày 18 tháng 6, phái đoàn Đặng Huy Trứ đi đến đỉnh núi Hải Vân, ngọn núi phân tách ranh giới Thừa Thiên với Quảng Nam. Ông cho đoàn dừng chân để vào viếng đền thờ thần núi Hải Vân trên đỉnh núi.28 Sau khi viếng đền, cả đoàn tiếp tục đi bộ đến trạm Nam Chân ở phía nam chân núi Hải Vân, gặp bến đò Chân Sảng thì xuống thuyền đi sang bến Thanh Khê29 thuộc địa phận Quảng Nam.30 Thuyền vào sông Hàn, rồi rẽ vào sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) để đi về Hội An.
Tại Hội An, Đặng Huy Trứ ở lại trong một nhà trọ ở làng Minh Hương để chờ ngày lên đường. Ông viếng thăm chùa Phúc Lâm để viếng Phật và xin cạo đầu theo kiểu người Thanh.31
Ngày 22 tháng 6, phái đoàn của Đặng Huy Trứ lên chiếc thuyền Quân Thái của thương nhân người Hoa Lã Hiền Tá, rời cửa Đại Chiêm (cửa biển ở Hội An) lúc 2 giờ sáng, bắt đầu hành trình đi Quảng Đông.32 Cùng sang Quảng Đông lần này, ngoài các thành viên trong đoàn của Đặng Huy Trứ còn có Lý Mậu Thụy và gia nhân của ông là Lý Xuân Mậu.33 Lý Mậu Thụy người gốc Phúc Kiến (Trung Hoa) nhưng đến Quảng Đông lập nghiệp. Sau đó, ông sang Hội An buôn bán rồi định cư ở nơi này. Ông được cộng đồng người Minh Hương ở Hội An tín nhiệm bầu làm Bang trưởng. Lý Mậu Thụy là người đã mở trường tư thục Thanh Hương ở Hội An và mời Đặng Huy Trứ về dạy học ở trường này vào năm 1849. Lần này, Lý Mậu Thụy trở về Quảng Đông và sẽ lưu lại ở quê để dưỡng già. Ông là người đã giúp đỡ Đặng Huy Trứ rất nhiều trong những ngày ông lưu lại ở Quảng Đông.
Thuyền đi qua các vùng biển Hải Nam, Nhai Châu, Đại Châu của Trung Hoa, gặp giông tố trên biển; đối mặt với nguy cơ cướp biển khi đi qua Lỗ Vạn Sơn, hang ổ của cướp biển Trung Hoa và chạm mặt tàu thủy của người Tây dương trên vùng biển Quảng Đông. Đến chiều ngày mồng 1 tháng 7 năm Ất sửu, thuyền Quân Thái của Lã Hiền Tá cập bến Hương Cảng. Đặng Huy Trứ cùng phái đoàn của ông đặt chân lên mảnh đất Hương Cảng, cửa ngõ thông thương quốc tế của tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ.34
* Hoạt động và những mối quan hệ của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông
Một trong những việc đầu tiên mà Đặng Huy Trứ thực hiện ngay khi đặt chân đến Hương Cảng là cùng với Nguyễn Tăng Doãn đi thăm xưởng đóng tàu ở khu Hạ Hoàn. Nơi đây đang có một kíp thợ người Việt Nam, do viên Ngoại lang của Sở Nội tạo là Hoàng Văn Sưởng và Cai đội Lê Bân chỉ huy, đang theo học kỹ thuật đóng tàu của phương Tây, dưới sự hướng dẫn của một người kỹ sư người Anh là Withseller.
Dưới triều Tự Đức, nhà Nguyễn muốn đẩy mạnh phát triển công nghệ đóng tàu thủy, đặc biệt là tàu chạy bằng hơi nước. Vì thế, vua sai hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang lựa chọn những người thợ thủ công có tay nghề cao, cử tới các xưởng của người Pháp ở Gia Định để học tập các nghề kỹ thuật cao như đúc súng bằng sắt, đóng tàu thủy, chế tạo máy móc…35 Theo sách Đại Nam thực lục, vào tháng 2/1865, vua Tự Đức đã “sai Thủy sư, Vũ khố lựa chọn người nào cẩn thận, thật thà, chăm chỉ, khéo léo, khỏe mạnh lấy 8 người… phái đi theo các tàu máy chạy bằng hơi nước của Tây dương để học tập và chế tạo. Cho viên Ngoại lang là Hoàng Văn Sưởng, Cai đội Lê Văn Mân36 sung làm chánh phó quản biện, bạc cấp cho 500 lạng”.37 Tuy nhiên, việc học đóng tàu trong các xưởng của người Pháp ở Gia Định không thành công vì người Pháp không nhiệt tình chỉ dạy. May thay, vào tháng 3/1865, ông Hoàng Văn Sưởng gặp Withseller, một kỹ sư người Anh ở Gia Định và trình bày sự tình với ông này. Withseller hứa sẽ đưa nhóm thợ Hoàng Văn Sưởng sang Hương Cảng học đóng tàu. Tháng 4/1865, được sự đồng ý của vua Tự Đức, Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân, cùng 9 người thợ và phiên dịch Nguyễn Đức Hậu lên đường sang Hương Cảng để học đóng tàu. Với sự trợ giúp của người Withseller, nhóm thợ của Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân đã đóng thành công chiếc tàu thủy bọc đồng chạy bằng hơi nước ở Hương Cảng.38
Sau khi đến Hương Cảng, Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn đã tìm đến khu Hạ Hoàn để thăm nhóm thợ đóng tàu của Hoàng Văn Sưởng. Ông ở lại trong xưởng đóng tàu mấy ngày để tham quan, tìm hiểu việc đóng tàu và ghi chép rất tỉ mỉ. Chứng kiến nỗi khó khăn, vất vả của những người thợ đóng tàu Việt Nam trong tiết trời giá lạnh ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ tỏ lòng xót thương, nên đã xuất tiền mua áo chống rét để phân phát cho những người thợ này.39
Ngày 27 tháng 8, tàu đóng xong, Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân tìm gặp Đặng Huy Trứ để báo tin. Ngày 3 tháng 9, Withseller cho tàu chạy thử trong vịnh Hương Cảng trước sự chứng kiến của Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn. Đặng Huy Trứ rất vui mừng và đã tặng quà cho Withseller, Hoàng Văn Sưởng, Lê Bân và những người thợ Việt Nam đã tham gia đóng chiếc tàu này.40
Trong thời gian lưu lại Hương Cảng, Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn đã liên hệ với Withseller để nhờ tìm mua vũ khí và đóng thêm tàu cho triều đình. Tuy nhiên, cả hai việc đều không thành công do Withseller từ chối việc mua giúp vũ khí và triển khai việc đóng tàu mới vì ông ta sắp trở về Anh. Withseller chỉ nhận lời mua giúp tàu đã đóng sẵn của các hãng tàu người Anh ở Hương Cảng.
Trước tình hình đó, Đặng Huy Trứ sang Quảng Châu tìm kế sách khác. Tại đây, ông đã gặp và đàm đạo với Tham tướng Lư Vũ Nhân. Lư Vũ Nhân là một võ quan hàng đầu của nhà Thanh lúc bấy giờ, đang giữ chức Thiên tổng ở Doanh Xuyên Sa. Ông được Thanh triều phái đi Quảng Đông để tuyển mộ quân thủy. Thông qua những người bạn Trung Hoa của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông, Lư Vũ Nhân biết tiếng Đặng Huy Trứ và cho mời Đặng Huy Trứ đến doanh trại ở Quảng Châu để tiếp kiến. Đặng Huy Trứ thì muốn nhân cơ hội này để tham vấn Lư Vũ Nhân về vấn đề binh bị và mua sắm vũ khí gửi về nước.41 Trong cuộc tiếp kiến, Đặng Huy Trứ đánh giá rất cao tài đức và chí khí của Lư Vũ Nhân. Lư Vũ Nhân cũng đánh giá cao văn tài của Đặng Huy Trứ qua một số tác phẩm văn chương của Đặng Huy Trứ mà ông đã được đọc từ trước. Sau cuộc gặp, Đặng Huy Trứ đã làm thơ tặng Lư Vũ Nhân với lời lẽ rất cao nhã, trọng vọng.42
Trong thời gian lưu lại Quảng Châu, Đặng Huy Trứ giao du với nhiều người trong học giới và nghệ sĩ ở Quảng Đông như Tô Lãng, Lương Huệ Tồn, La Nghiêu Cù, Lý Thụy Nham, Khuất Á Phúc,… Ông được những người bạn Trung Hoa mến mộ vì học vấn và tài năng văn chương, vì cốt cách và chí khí của ông. Chính vì thế mà Lý Thụy Nham, một họa sĩ người Quảng Đông, đã vẽ tặng Đặng Huy Trứ hai bức chân dung truyền thần: một bức vẽ Đặng Huy Trứ đang mặc triều phục nhà Nguyễn43; bức thứ hai vẽ Đặng Huy Trứ cạo đầu, tết tóc đuôi sam, mặc trang phục người Thanh.44 Còn Tô Lãng sau khi đọc những tác phẩm thơ văn trong tập bản thảo Đặng Hoàng Trung thi sao của Đặng Huy Trứ thì do cảm phục văn tài và đức độ của Đặng Huy Trứ nên đã viết bài Tựa cho tập thi văn này, đồng thời hợp tác với Lương Huệ Tồn tự bỏ tiền khắc in tập Đặng Hoàng Trung thi sao và tặng lại cho Đặng Huy Trứ.45 La Nghiêu Cù sau khi đọc xong Đặng Hoàng Trung thi sao thì cho rằng Đặng Huy Trứ xứng danh là một thi hào, nên đã làm 2 bài thơ để tán dương Đặng Huy Trứ.46 Sau này, khi Đặng Huy Trứ trở về nước, La Nghiêu Cù còn làm thơ bái biệt với lời lẽ rất cảm kích.47
Sau một thời gian thăm thú Quảng Châu, Đặng Huy Trứ trở lại Hương Cảng, tá túc trong hiệu buôn Vạn Sinh của một nhà buôn người Quảng Đông tên là Tô Vĩ Đường. Ông tiếp tục tìm hiểu tình hình người phương Tây ở Hương Cảng, đọc và tìm mua tân thư, dò mối mua vũ khí cho triều đình. Riêng Chu Văn Khoa thì đảm trách việc tìm mua hàng hóa, vật dụng cho nhà vua và triều đình. Số hàng hóa này chủ yếu là tơ lụa, thuốc bắc và một số vật dụng giải trí cho nhà vua đã được gửi theo thuyền buôn Quân Thái của Lã Hiền Tá chở về Việt Nam trước. Chu Văn Khoa lãnh trách nhiệm áp tải số hàng hóa này cùng về theo thuyền Quân Thái. Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn ở lại Hương Cảng làm nốt các công việc còn dang dở.
Ngày 20 tháng 11 năm Ất sửu (tháng 12/1865), Đặng Huy Trứ lên thuyền rời Hương Cảng trở về nước. Tô Vĩ Đường tiễn biệt Đặng Huy Trứ bằng 3 bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông với Đặng Huy Trứ và tình bạn tri âm giữa hai người.48 Nhờ thuận buồm xuôi gió, nên chỉ sau 6 ngày thì thuyền của Đặng Huy Trứ đã về đến cửa Thuận An (ngày 25 tháng 11). Đặng Huy Trứ vui mừng làm bài thơ Quy chí Thuận An tấn hỷ tác (Mừng về đến cửa Thuận An)49, kết thúc chuyến công cán Quảng Đông lần đầu của ông.
Ngày 5 tháng 12, Đặng Huy Trứ về quê giỗ cha, gặp lại gia đình, họ hàng và bạn bè sau hơn 5 tháng đi công cán nơi xứ người. Ông đem theo 2 bức truyền thần do Lý Thụy Nham vẽ cho ông lúc ở Quảng Châu cho mọi người xem và làm bài thơ Đối thân tân (Gặp họ hàng và bạn bè) nhân sự kiện này. Bài thơ này có 2 câu rất thú vị: Việt cảnh, Dương tình mang ứng đối. Diệt nhi chỉ giải khán truyền thần (Mãi trả lời về tình hình ở Quảng Đông và của bọn Tây dương. Còn con cháu chỉ mê xem hai bức truyền thần).50
- Trần Đức Anh Sơn
CHÚ THÍCH
1 Đến thời điểm Đặng Huy Trứ ra đời, gia tộc họ Đặng của ông có 3 người đang là quan chức triều Nguyễn. Đó là:
– Đặng Văn Hòa (1791-1856), bác ruột của Đặng Huy Trứ, làm quan dưới triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền nhà Nguyễn như: Lang trung bộ Binh (1822), Tham tri bộ Binh (1829) Tham tri bộ Hộ (1830), Tuần phủ Hà Nội (1831), 3 lần làm Tổng đốc Nam Định – Hưng Yên (1833, 1843, 1847), Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình (1835), 2 lần làm Thượng thư bộ Công (1839, 1852), quyền Thượng thư bộ Lễ (1841), Thượng thư bộ Lễ (1846), 2 lần làm Tổng đốc Bình Định – Phú Yên (1841, 1842), Tổng đốc Gia Định – Biên Hòa (1842), 3 lần làm Thượng thư bộ Hình (1843, 1850, 1853). Đặng Văn Hòa tham gia Cơ mật viện 4 lần (1839, 1844, 1850, 1853), từng kiêm quản Hàn lâm viện (1840), Tổng tài Quốc sử quán (1853). Đặng Văn Hòa được vua Tự Đức phong hàm Thái tử thiếu bảo, Văn Minh điện đại học sĩ, sau khi qua đời được vua ban tên thụy là Văn Ý.
– Đặng Văn Chức (1795-1847), em trai Đặng Văn Hòa và là bác ruột của Đặng Huy Trứ, là quan ngự y của Thái Y viện triều Nguyễn.
– Đặng Huy Tá (1816-1872), con trai của ngự y Đặng Văn Chức (bác ruột của Đặng Huy Trứ). Ông từng là Tri huyện Hà Đông ở phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (1851), Án sát Hà Nội (1863), Bố chính Nam Định (1867), được thăng hàm Hồng lô tự khanh.
Nguồn: Phạm Tuấn Khánh (Sưu tầm và thực hiện), “Niên biểu họ Đặng và Đặng Huy Trứ”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (TP.HCM: TP.HCM, 1990), 547-562.
2 Trong bài thi Điện, Đặng Huy Trứ có viết câu “gia miêu chi hại” (cỏ năng làm hại lúa tốt). Gia Miêu cũng là tên quê hương của các vua triều Nguyễn (Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), nên Đặng Huy Trứ bị quy tội phạm húy, bị đánh trượt, cách hết học vị đã đạt và bị phạt roi. Sự kiện này được Đặng Huy Trứ thuật lại trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Điện thí đắc truất ký Nguyễn niên huynh (Thi Điện bị truất, gửi anh Nguyễn thi cùng khoa) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 115.
Đặng Hoàng Trung thi sao gồm 11 quyển tập hợp 1.250 bài thơ và 34 bài văn do Đặng Huy Trứ trước tác từ năm 1840 đến năm 1867. Nhóm Trà Lĩnh, gồm một số tác giả chuyên nghiên cứu về Đặng Huy Trứ, đã tuyển chọn hơn 300 tác phẩm thơ văn trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao, tổ chức biên dịch và xuất bản thành cuốn sách Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (Nhà xuất bản TP.HCM, 1990).
3 Bài thơ này có trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Cuối bài thơ có ghi chú của Đặng Huy Trứ về việc tàu Pháp gây hấn ở cửa biển Trà Sơn và việc triều đình gửi quân vào đánh trả. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 115
4 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tập 7 (Hà Nội: Giáo dục 2006), 985. Sự việc này cũng được Đặng Huy Trứ ghi lại trong bài tiểu dẫn trước bài thơ Mông dĩ bản hàm lĩnh Quảng Nam Bố chính sứ tức vãng (Đội ơn giữ nguyên hàm đi lĩnh chức Bố chính Quảng Nam, đi ngay) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 257.
5 Nguồn: Phạm Tuấn Khánh, Tài liệu đã dẫn (1990), 547-562.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 1306.
7 Về cái chết của Đặng Huy Trứ và việc vua Tự Đức cho đưa thi hài của Đặng Huy Trứ về an táng tại quê nhà, sách Đại Nam thực lục chép: “Bang biện Bắc Ninh, Thái Nguyên là Đặng Huy Trứ chết ở xã Cao Đằng tỉnh Hà Nội, dặn lại rằng tạm chôn ở đất ấy. Quan tỉnh Hà Nội cho là Huy Trứ can việc thiếu tiền công (Trứ trước theo hàm Bố chính sung làm việc ở ty Bình Chuẩn can thiếu tiền công hơn 34.000 quan, phải giáng xuống Trước tác sung làm Bang biện, rồi bồi được hơn 33.000 quan) cùng việc làm còn nhiều việc chưa xong, tư cho bộ Lại, bộ Hộ xét rõ, bộ Lại đem việc ấy tâu lên. Vua bảo rằng: Đặng Huy Trứ hơi có học vấn, cũng không phải là lũ vô dụng, nhưng lập tâm hơi thiện, sợ không bổ ích, vội làm mưu khác, hầu được mảy may, nhưng khốn nỗi nói thì cao mà tài lại kém, chưa thấy có hiệu mà đã thấy tổn hại, sợ không mặt mũi nào trông thấy cha anh họ hàng, cho nên tự chết cho chóng, đáng thương đáng giận, hầu làm người có tội trong danh giáo, kẻ sĩ phu quân tử có nên không có cây gốc không? Chuẩn cho gia ơn cấp cho nhà ấy 100 quan tiền, chuẩn cho tỉnh ấy đưa về chôn (huyện Quảng Điền), chớ nghe lời nói càn quên gốc của hắn khi còn sống. Đợi bộ Hộ xét bắt bồi xong sẽ chuẩn cho khai phục”. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Tập 8, (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 64.
Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam như Vũ Khiêu, Phạm Tuấn Khánh, khi tiếp cận với các nguồn tư liệu này đã cho rằng do vua Tự Đức nghi ngờ Đặng Huy Trứ giả vờ chết để tìm cách ở lại Hưng Hóa tiếp tục chống Pháp. Vì thế, vua mới ra lệnh đưa thi hài Đặng Huy Trứ về Huế, cho người mở quan tài ra để xác thực rồi mới cho mai táng. Vũ Khiêu, “Đặng Huy Trứ. Người trí thức chân chính trước những vấn đề của dân tộc và thời đại” và Phạm Tuấn Khánh, (Sưu tầm và thực hiện), “Niên biểu họ Đặng và Đặng Huy Trứ”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 52 và 560.
8 Nội các triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, Tập 8, (Huế: Thuận Hóa, 1993), 305.
9 Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn, “Hoạt động thương mại kiêm nhiệm của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Hoa thời nhà Thanh”. In trong: Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, (Hà Nội: Thế giới, 2011), 214.
10 Trong lời dẫn cho cuốn Mục lục châu bản triều Nguyễn, GS. Phan Huy Lê giải thích: “Công vụ có thể là thực thi một nhiệm vụ do Nhà nước giao phó, nhưng không xác định rõ đó là nhiệm vụ gì. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác thì có thể hiểu công vụ là đi mua hàng hóa, vũ khí, có thể là tìm hiểu tình hình chính trị, quân sự hay kết hợp cả hai nhiệm vụ trên”. Cục Lưu trữ Nhà nước, Đại học Huế, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, Mục lục châu bản triều Nguyễn, Tập 2, (Hà Nội: Văn hóa, 1998), XLVII.
11 Những chuyến công vụ của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông trong các năm 1865 và 1867-1868 không được ghi chép trong bất kỳ bộ chính sử nào triều Nguyễn. Để có được những thông tin liên quan về hai chuyến đi này, chúng tôi chủ yếu dựa vào những trước tác của Đặng Huy Trứ hiện đang lưu giữ tại gia tộc họ Đặng (trong đó có nhiều trước tác đã được biên dịch sang tiếng Việt và in thành sách), cũng như những tư liệu liên quan đến Đặng Huy Trứ đã được nhiều nhà nghiên cứu khảo cứu và công bố.
12 Có thể tham khảo bản dịch sang tiếng Việt của Hòa ước Nhâm tuất (1862) trong: Mathilde Tuyết Trần, Dấu xưa. Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, (TP.HCM: Trẻ, 2011), 34-37.
13 Mathilde Tuyết Trần, “Tại sao mất nước thời Tự Đức”, Dấu xưa. Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, (TP.HCM: Trẻ, 2011), 15.
14 Điều này được thể hiện qua bài thơ: Hữu đông hành chi mệnh (Được lệnh đi Quảng Đông) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 303.
15 Trước khi cử Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông, triều đình Tự Đức đã cử Lang trung bộ Công là Trần Như Sơn, anh họ đằng ngoại của Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông để dò xét việc nhà Thanh thông thương với các nước Pháp và Anh. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 303.
16 Đó là kíp thợ do viên Ngoại lang của Sở Nội tạo là Hoàng Văn Sưởng dẫn đầu, sang Hương Cảng học đóng tàu từ năm 1864, sẽ được đề cập ở phần sau của tham luận này.
17 Chú thích cuối bài thơ Nguyễn Tốn Ban tiên sinh tặng hành (Nguyễn Tốn Ban tiên sinh tặng khi đi) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 413.
18 Ghi chú của Đặng Huy Trứ ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh (Được lệnh đi Quảng Đông) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.
19 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ viết: “Chuyến đi này tôi phải cải trang mặc khác hẳn trang phục của sứ thần đi cống”.
20 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ ghi: “Tôi cùng Lang trung nội vụ là Chu Văn Khoa đáp thuyền của Lã Hiền Tá đi (Quảng Đông). Chu người An Lai, vốn là cựu thần khi vua (Tự Đức) chưa lên ngôi. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.
21 Việc Nguyễn Tăng Doãn tham gia chuyến công cán này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334-335.
22 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ viết: “Thuyền của Lã Hiền Tá tháng 6 trở về (Quảng Đông). Tháng này, tôi từ Quảng Nam nhận được lệnh về kinh (Huế) nghe huấn thị. Có tin trung tuần tháng sau sẽ thuận gió. Tôi ở nhà chỉ được 10 ngày để đi thăm mộ”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.
23 Việc này được phản ánh trong bài thơ Tỉnh yết Phù Dụng, Ngô Hồng nhị sơn phần (Viếng hai ngôi mộ cha mẹ ở Phù Dụng và Ngô Hồng) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 306.
24 Việc này được phản ánh trong bài thơ Tỉnh yết trưởng bá Thiếu bảo Văn Ý công tẩm, tại Hiền Sĩ Gia Khoa nguyên (Viếng lăng bác trưởng Thiếu bảo Văn Ý công ở cánh đồng Gia Khoa, làng Hiền Sĩ) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 307.
25 Việc này được phản ánh trong bài thơ Yết đại từ đường (Bái yết đại từ đường) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 309.
26 Việc này được phản ánh trong bài thơ Biệt nội (Từ biệt vợ) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 310.
27 Việc này được phản ánh trong bài thơ Chu hành chí An Cựu hà kiều khởi lục. Thập lục nhật Kỷ mão Tân mùi bài thượng thuyền: Đi thuyền đến cầu An Cựu rồi lên đi bộ (Lên thuyền ngày 16 Kỷ mão, giờ Tân mùi) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 311.
28 Việc này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong bài thơ Yết Hải Vân sơn từ trong tập (Đến thăm đền thờ trên núi Hải Vân) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 312.
29 Trong bài thơ Quá Thanh Khê độ (Qua bến Thanh Khê) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao, Đặng Huy Trứ ghi chú lý do đoàn không tiếp tục đi đường bộ mà chuyển sang đi đò từ bến Chân Sảng đến bến Thanh Khê như sau: “Trưa hôm đó đến trạm Nam Chân, phu phen muốn tránh nắng, xin qua cho đò, tôi đồng ý”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990): 313.
30 Thanh Khê là tên một quận ven biển ở thành phố Đà Nẵng hiện nay.
31 Đặng Huy Trứ ghi lại việc này qua bài thơ Nghệ Phúc Lâm bái Phật thế phát (Đến chùa Phúc Lâm bái Phật, xin cạo đầu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Cuối bài thơ này, ông ghi chú: “Đi sang Quảng Đông lần này tôi phải dóc tóc, tết đuôi sam theo tục nhà Thanh. Đáng lẽ, đợi sau khi ra biển, sẽ nhờ người nhà Thanh quen tay làm cho, nhưng tôi không chịu thế”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 316.
32 Việc này được phản ánh trong bài thơ Thượng thuyền. Nhị thập nhị nhật, Ất mão, Đinh sửu bài (Lên thuyền. Ngày 22, Ất mão, giờ Đinh sửu, lúc 2 giờ sáng) và bài thơ Tòng Đại Chiêm cảng xuất Ấu hải (Từ cửa Đại Chiêm ra Ấu Hải). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990): 318-319.
33 Việc này được phản ánh trong bài thơ Thị Lý Xuân Mậu (Bảo Lý Xuân Mậu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 322.
34 Sự kiện này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong 2 bài thơ: Vọng kiến Hương Cảng chư sơn (Xa trông rặng núi Hương Cảng) và Vãn chí Hương cảng dương ngoại. Tức Đại Bộ hải (Chiều đến ngoài khơi Hương Cảng. Tức biển Đại Bộ) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 332-323.
35 Sau Hòa ước Nhâm tuất (1862), triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã nhượng 3 tỉnh miền đông Nam Bộ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) cho người Pháp. Người Pháp thiết lập chế độ Soái phủ (Gouvernement des Amiraux) để cai quản vùng nhượng địa này theo thể chế riêng, tách khỏi thực thể chính trị của triều đình nhà Nguyễn. Tại đây, người Pháp cho mở nhiều công xưởng để sản xuất các vật dụng cần thiết để phục vụ cho nhu cầu của họ, trong đó, có các xưởng đóng tàu thuyền. Vì thế triều đình Tự Đức mới cử thợ đến học tập các nghề kỹ thuật cao trong các xưởng do người Pháp mở vùng nhượng địa này.
36 Sách Đại Nam thực lục chép tên hai người này là Hoàng Văn Sưởng và Lê Văn Mân, nhưng trong các ghi chép của Đặng Huy Trứ, tên của họ được ghi là Hoàng Sưởng và Lê Bân.
37 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Tập 7, (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 887.
38 Sự việc này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334.
39 Sự việc này được Đặng Huy Trứ phản ánh trong bài thơ Phân cấp ngự hàn y (Cấp áo chống rét) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 336.
40 Trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm), Đặng Huy Trứ viết: “Mồng 2 tháng 7 năm nay (Ất sửu – 1865), tôi cùng ông Nguyễn Tăng Doãn đến Hương Cảng. Biết tin, ông Vị-Sĩ-Lặc (Withseller) đã dẫn ông Sưởng, ông Bân đi học tập và hiện ở khu Hạ Hoàn và đã đóng được chiếc tàu. Tôi đến thăm, ở đây mấy ngày thấy bọn ông Sưởng tận tâm học tập, tôi rất mừng. Bèn chọn ngày mồng 3 đi thử, chạy vòng qua các hòn núi trong vịnh, trông lên bờ thấy cây bay núi chạy rất là nhanh. Hôm ấy lãnh sự nước Anh, những người có thế lực ở phố Ba-Lê-Khuê, người Tây dương, người nhà Thanh xem rất đông, đều hết lời khen rằng: ‘Nước Nam ta tự cường, tự trị nay đã thấy một phần’. Tôi rất mừng, bèn xét hành lý có sẵn, biếu ông Hoàng Sưởng một cái áo lương hoa thuần tơ màu lam rất quý, ông Lê Bân một lạng bạc, ông 1.000 hạt sen, 8 lạng yến sào, chia cho những người thợ một lạng vàng. Đó cũng là biểu thị tấm thịnh tình của tôi từ xa đến và cũng là cái vui mừng không ngờ tới và khó nói hết được. Nên làm bài thơ này ghi lại”. Ngay phía dưới bài thơ này, Đặng Huy Trứ có viết một bài văn bằng chữ Hán dài khoảng 1.300 chữ, miêu tả tỉ mỉ kỹ thuật chế tạo máy hơi nước của phương Tây dựa theo cuốn sách Bác vật tân biên do một người Anh tên là Hợp-Tín (phiên âm Hán – Việt) biên soạn. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334.
Chiếc tàu thủy bọc đồng này cùng nhóm lính thợ do Hoàng Văn Sưởng dẫn đầu đã về đến cửa biển Thuận An (cách Kinh Thành Huế 12 km về phía đông) vào ngày 13 tháng 9 năm Ất sửu (tháng 10/1865) và được triều đình đặt tên là Mẫn Thỏa cơ khí đại đồng thuyền. Mấy năm sau, vua Tự Đức lại cho thuê người đóng thêm 3 chiếc tàu máy hơi nước khác là: chiếc Thuận Tiệp (1866), chiếc Đằng Huy (1870) và Viễn Thông (1872). Xem: Trần Đức Anh Sơn, “Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn”, Huế xưa và nay, Số 105. Tháng 5-6/2011, 74.
41 Sự kiện này được phản ánh trong bài thơ Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân (Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Trong phần ghi chú cuối bài thơ này, Đặng Huy Trứ viết: “Lư Vũ Nhân tên là Vi Lâm, người huyện Đông Hoàn, Quảng Đông. Đời đời chịu ơn nước, khi còn nhỏ học hành cử nghiệp, theo cha anh lúc đó làm quan ở Yên Kinh (tức Bắc Kinh). Khi giặc Chu quấy rối, khích động bởi nghĩa phẫn, xếp bút nghiên đầu quân. Lộ phí riêng để đi đường có trên 10 vạn lạng, ông dốc hết để mộ quân, chi lương đánh giặc nên được thưởng công. Sau làm việc ở Cục Quân hỏa Thượng Hải, chỉ huy tàu thuyền, tới nay đã hơn 10 năm. Tháng 2 năm nay (1865), giữ chức Thiên tổng ở Doanh Xuyên Sa, lại giúp việc cho hai vị đại thần là Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương và được phái đi Quảng Đông mộ quân thủy. Nhân dịp này tôi được gặp”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 338-339.
42 Bài thơ Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân và bài thơ Nhân Lư Vũ Nhân ẩn danh ký tặng Triệu đài gián (Nhân việc Lư Vũ Nhân giấu tên gửi tặng gián quan họ Triệu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 338-339 và 346.
43 Đặng Huy Trứ đã ghi lại sự kiện này bằng bài thơ Tự đề công tọa tiểu chân (Đề bức ảnh mặc triều phục). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 343.
44 Hai bức chân dung này hiện đang lưu giữ ở nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
45 Đây là quyển 1 của tập Đặng Hoàng Trung thi sao, gồm những sáng tác của Đặng Huy Trứ từ lúc 15 tuổi cho đến khi ông ở Quảng Đông, được hiệu sách Thập Giới Viên của Lương Huệ Tồn cho khắc in vào năm 1865.
46 Việc này được phản ánh qua bài thơ La Nghiêu Cù độc Hoàng Trung thi sao kiến tặng (La Nghiêu Cù đọc Hoàng Trung thi tặng) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 347.
47 Việc này được ghi nhận bởi bài thơ La Nghiêu Cù tặng biệt (La Nghiêu Cù tặng khi từ biệt). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 350-351.
48 Việc này được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Tô Vĩ Đường tặng biệt tam thủ (Tô Vĩ Đường tặng 3 bài thơ khi từ biệt). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 350-351.
49 Đặng Huy Trứ vui mừng làm bài thơ Quy chí Thuận An tấn hỷ tác (Mừng về đến cửa Thuận An), sau này in trong tập tiếp theo của Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 352.
50 Trích từ bài thơ Đối thân tân (Gặp họ hàng và bạn bè) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990): 353.