Năm tác phẩm của Đặng Xuân Viện thể hiện niềm tin yêu và sự gắn bó sâu sắc với Nam phong tạp chí cũng như góp phần quan trọng vào thành công của thể tài du ký và tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Các trang du ký của Đặng Xuân Viện
Gần một thế kỷ đã qua đi, bạn đọc ngày nay tìm về các trang du ký của Đặng Xuân Viện trên Nam phong tạp chí vẫn có thể cảm nhận được nỗi lòng tác giả trước thời cuộc và niềm vui trong những chuyến đi từ vùng biển đến non cao, từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung, từ nông thôn đến cố đô Huế. Năm tác phẩm của Đặng Xuân Viện thể hiện niềm tin yêu và sự gắn bó sâu sắc với Nam phong tạp chí cũng như góp phần quan trọng vào thành công của thể tài du ký và tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Học giả, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đặng Xuân Viện (1880-1958), tục danh Bốn Đễ, bút danh Phục Ba, Thiện Đình, Đặng Nguyên Khu, Đặng Viết Nhiêu; quê sinh làng Hành Thiện(nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); là con thứ tư cụ nghè Đặng Xuân Bảng (1828-1910) từng làm quan trải các chức Án sát, Bố chánh, Tuần phủ, Đốc học; là cha Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988). Đặng Xuân Viện học rộng nhưng không đỗ đạt, có làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên và Hòa Bình trong mấy năm rồi xin nghỉ, sau tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân phong kiến bắt quản thúc ở quê nhà. Ông cũng từng tham gia nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, tích cực cộng tác với Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Ngọ báo và biên soạn các sách, chủ yếu hoàn thành trước 1945: Hà phòng quản kiến, Vô danh anh hùng, Hữu danh anh hùng, Nói có sách, Hán văn sơ học tiệp giải, Hành Thiện xã chí, Minh Đô sử…
Khi đã đến trong ngoài lứa tuổi năm mươi “tri thiên mệnh”, Đặng Xuân Viện vẫn đi nhiều, viết khỏe và cộng tác chặt chẽ với Nam phong tạp chí. Chỉ trong ba năm (1929-1931), ông đã trình làng trên tờ tạp chí văn hóa quyền uy và nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ với năm tác phẩm du ký: Định Hóa châu du ký (1929), Quảng Xương danh thắng, Cuộc đi chơi Huế (1930), Tây Đô thắng tích, Thụy Anh du ký (1931)… Xin nói thêm, không phải ngẫu nhiên Đặng Xuân Viện lại lựa chọn cộng tác với Nam phong tạp chí, cơ quan ngôn luận đã chú trọng xây dựng, duy trì, điều hòa tốt mối quan hệ Đông – Tây, dân tộc – quốc tế, truyền thống – hiện đại với việc xuất hiện cả ba loại hình ngôn ngữ Quốc ngữ – Hán ngữ – Pháp ngữ; nơi có nhiều bậc thức giả đồng trang lứa với ông cùng tận tâm tham gia viết bài, biên tập, kiến tạo (Chủ bút Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục…). Có thể khẳng định cả năm tác phẩm du ký của Đặng Xuân Viện đều nằm trong văn mạch mà nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định là một trong 14 bộ môn khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934 và nêu nhận xét: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng… Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta” (NXB Thuận Hoá – Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002, tr.34)…
Mở đầu Định Hóa châu du ký (Nam phong tạp chí, số 145, tháng 12-1929), Đặng Xuân Viện đi đến vùng non cao giáp giới hai tỉnh Thái Nguyên – Bắc Cạn và bày tỏ tâm tình trước quang cảnh thanh bình: “Lâu nay vẫn quen cái phong vị ở dưới đường xuôi, có lên đường ngược, lại sợ rừng thiêng nước độc, lại không muốn đi. Hồi mới rồi thấy dân bể bị bão, thấy rất thảm đạm, rất là tiêu điều, mà lòng lại thêm chán nản, muốn bước chân lên xứ thượng du, để quan sát cái cảnh tượng và phong tục, mà so sánh với dân bể như thế nào. Một hôm tiện đường ô tô lên chơi châu Định Hóa, nhìn xem phong cảnh đương mùa thu mà lại có vẻ xuân quang, trải bao phen mưa sầu gió thảm mà nhà gianh vách nứa vẫn nguyên vậy, vườn cau rặng chuối vẫn nguyên vậy, cây xanh lá dài vẫn nguyên vậy, non xanh nước biếc vẫn nguyên vậy, dân sự vui vẻ nghiễm nhiên có cái cảnh tượng thái bình; nên lưu lại ba ngày để du lịch, khiến được giải phóng cái sầu u uất vì cơn mưa bão mới đây”…; cho đến đoạn kết là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp trong tương lai: “Xem như vậy thời biết phong tục của họ đã nói ở trên này cũng dễ khai hóa, mà cái cách sinh hoạt của họ cũng dễ kiếm ăn hơn người đường xuôi. Thổ sản ở sơn lâm không bao giờ hết, có công tìm tòi thời cũng có lợi, chứ dưới đường xuôi quanh năm chỉ nhờ có hai vụ lúa, còn sự buôn bán ngày nay người khôn của hiếm, kiếm được đồng lãi rất là khó khăn. Vả nhà làm ruộng lâu nay không được như trước, phần lo nước lớn vỡ đê, phần lo nước sấp mặn, phần lo gió bão không những hại cả hoa màu mà lại hại cả tính mệnh nữa. Đến như thượng du nước bể nước sông không có ngập đến bao giờ, dù mưa có to, mưa lại chảy ra suối; gió to, gió lại cuốn vào rừng, nên chỗ ăn chỗ ở vững vàng không có quan ngại chi cả. Dám quyết sau này đường lối giao thông buôn bán tiện lợi, thời dân đường rừng làm ăn có thể hưng vượng hơn dân đồng bằng nhiều”…
Với bút danh Phục Ba, Đặng Xuân Viện viết Cuộc đi chơi Huế (Số 157, tháng 12-1930) có lẽ là một hồi ký hơn là những ghi chép tức thời. Tác giả kể rằng lần đầu đến Huế từ 1906, còn chuyến đi đang được kể lại diễn ra vào năm 1916 và hơn mười năm sau đó mới in báo. Hãy xem ông viết: “Hồi tưởng hai mươi sáu năm về trước đến bây giờ vẫn in sâu trong trí não, chửa bao lâu mà cái quang cảnh đã khác xưa, khác tự hoàn cảnh nó thay đổi… Cuộc đời kim cổ, bước khách giang hồ, ai giục ta đi, ai ngăn ta lại, thôi cũng phiếm du một dạo cho thoả chí tang bồng”… Sau khi tham dự tiệc vạn thọ nhân việc vua Khải Định đăng quang năm thứ mười, Phục Ba mô tả lại những ngày đến đọc sách ở thư viện của triều đình: “Lễ tứ tuần xong bạn rủ tôi lên ô tô về Nam, nhưng nghĩ đã vào đây chơi phiếm tốn bao nhiêu tiền mà chưa có bổ ích gì cho mình, khác gì vào núi ngọc mà lại trở về tay không, nên lưu lại Cổ Học Viện để xem sách, viện ấy là sở phiên dịch, từ khi đức Khải Định ở Tây về mới lập ra để thu thập lại các sách cổ của nước ta và các sách ở phương Đông và phương Tây, xếp đặt rất là trật tự. Ai muốn đến đấy xem sách thời phải nói với người chưởng sự ở viện ấy mới được lĩnh xem, xem xong lại xếp đặt như cũ; tôi xem sách ở đó hai tuần, nhân có hai bài thơ tức cảnh và ngụ ý cảm hoài”…
Trong bài Quảng Xương danh thắng (Số 157, tháng 12-1930), Đặng Xuân Viện với bút danh Thiện Đình đã khảo tả kỹ lưỡng cảnh đẹp núi Diệu Sơn (xã Quan Bằng), núi Lê Sơn (xã Vân Trai), núi Tặng Sơn (xã Gia Dụ), Vựng Tôm (xã Bồng Thượng)… Riêng cảnh núi Sầm Sơn được mô tả chi tiết: “Núi Sầm Sơn thuộc xã Lương Niệm,… phía đông nam có một ngọn núi gọi là núi Voi thuộc xã Trường Lệ, phía đông bắc lại còn có một ngọn núi gọi là Cổ Rùa, những chỗ ấy đều có đền thờ ông Độc Cước. Cái núi ấy dẫu không có ruộng sâu hang thẳm, rừng rậm cây xanh nhưng cũng có một cái thú thiên nhiên, khách du lịch đến đó ai cũng phải dừng chân nghỉ bước để mượn cái quang cảnh ấy làm cách tiêu dao, vì chỗ ấy cũng có cái gió bể ở phía đông bắc đưa lại, rất là khinh khoái, rất là êm đềm, lúc ban chiều trèo lên đỉnh núi nhìn chung quanh thời các núi xa gần có bao nhiêu vẻ ly kỳ đều phô bày ở trước mắt cả, trên mặt bể, thuyền xuôi lái ngược, nhấp nhô sóng gợn, coi như là một tập bức tranh thủy mặc treo bên mắt ta”…
Tiếp đến bài Tây Đô thắng tích (Số 160, tháng 3-1931), Thiện Đình vừa miêu tả cảnh đẹp vừa kể lại những lời “tục truyền”, “tương truyền” liên quan đến thành Tây Đô, núi Đốn Sơn, động Hồ Công, chùa Thánh Láng, chùa Du Anh… Tác giả kể rõ câu chuyện phong thủy thành Tây Đô liên quan đến số phận vương triều Hồ: “Bên nam thành có núi Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, trước Quý Ly đắp thành, lấy núi Đốn Sơn làm nội án, đắp đàn Nam Giao ở trên núi. Núi hình như cái cung, mở đường xe ngựa đi tự cửa nam thông đến chân núi, hình như mũi tên bắn vào trong thành, đó là mưu của ông Trần Khát Chân định đem phong thủy để trấn áp họ Hồ vậy”… Trong bài du ký này, Thiện Đình có chép lại mấy bài thơ của các ông Trạng nguyên nhà Mạc, ông Tiến sĩ Vũ Quỳnh, ông Đốc học Nhữ Bá Sĩ, ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ân đề vịnh triều đại nhà Hồ và cảnh núi An Tôn, núi Đốn Sơn… …
Cuối cùng, trong tác phẩm Thụy Anh du ký (Số 164, tháng 7-1931), Đặng Xuân Viện nhấn mạnh lợi ích của các chuyến du ngoạn, du chơi, du hành, du lịch: “Người ta nhân cái sự gì u uất, nếu không có cái vật gì để thưởng tâm ngoạn mục, thời lấy cách gì mà tiêu dao; gặp cái điều gì phiền não, nếu không tìm được chỗ nào mỹ cảnh kỳ quan thì lấy gì giải trí. Vì là người bị cái hoàn cảnh nó bức bách, làm cho mình phải rức óc chau mày, tất phải tìm cái cảnh khác để thay đổi, khiến cho mắt mình được trông thấy cái cảnh tượng êm đềm, tai mình được nghe thấy cái phong vị vui vẻ, thời cái tinh thần của mình mới được khoan thư, cho nên người Âu cứ đến kỳ vacance nghỉ làm việc đi chơi Tam Đảo cùng là nhà tắm Quất Lâm và Đồ Sơn, đó cũng là một cách tiêu khiển vậy”… Nhân chuyến du ngoạn và quan sát công cuộc trị bình, ông đánh giá cao hoạt động hành chính hợp hiến, hợp lý, khoan giản, hiệu quả của chính quyền nơi thôn quê: “Hiện nay đương chức quan Võ Thiện Khoái thay quan Nguyễn Trọng Khôi mới để lỵ đây, việc quan thanh giản chưa có sự gì nhiễu dân, huyện ấy không có trợ tá, chỉ có một lục sự để giúp việc tòa án và một thừa phái để giúp việc cai trị, thế mà việc quan cũng được chu đáo, không đến phiền bận như các nha. Đó là những lời bình phẩm của dân chúng, miệng khen chê chẳng qua cũng ở lòng yêu ghét, ta không lấy được làm chắc bằng, nên phải quan sát lại cho được đích đáng. Ta qua cổng huyện, không thấy dân sự chầu chực ở ngoài cửa, mà phố huyện không thấy tổng lý đi lại rộn rịp, hàng cơm hàng nước, khách khứa vắng tanh, thế đủ biết dân ít việc mà quan cũng ít việc”… Sau khi nêu nhận xét và cảnh báo lối trị dân “hành là chính”, Đặng Xuân Viện bày tỏ trách nhiệm công dân và trở lại vai trò người du ngoạn: “Tôi đây cốt chủ đi du lịch phong cảnh mà thôi, dám đâu lạm bàn đến quan phái. Nhưng vì những việc phạm đến tai mắt mà phải nói, đó cũng là cái cảm tình phát hiện tự nhiên vậy… Phong tục ở đây còn giữ thuần phác… Nghề nghiệp thời cũng có một hai làng đàn bà biết dệt vải sợi, còn có nghề đan vó, đan siếc, đan lưới, thời làng nào cũng có người biết làm”… Sau khi tường tả chi tiết các nghề làm thuốc lào, làm muối và đánh cá bể, Đặng Xuân Viện đi đến bộc lộ niềm thích thảng, hào sảng, an vui nhân chuyến du lịch sinh thái nơi miền biển: “Ta lại ra chơi bến Hộ, thấy hai bên nhà cửa đã thành ra phố sá, và có hiệu khách buôn vải sợi và tạp hóa không thiếu đồ chi, dưới bến thì có thuyền bè cũng lắm người đi lại buôn bán, thành ra một chỗ đô hội nho nhỏ, so với mấy năm trước thì lại có phần thịnh vượng hơn”… Cho đến đoạn kết, Đặng Xuân Viện nhấn mạnh suy tư về tự do cá nhân và môi trường xã hội, cõi người và thế giới tự nhiên, mối quan hệ tâm và cảnh, từ đó chưng cất bằng mười câu thơ lục bát: “Ta thường ước được cái điếu đài ở trên bãi bể gần cửa Hộ để khi nào nóng nực lên đó hóng mát và câu cá cho khuây truyện đời. Nhân có mấy câu ngẫu hứng: Cuộc đời như bối tơ quay,/ Nghĩ cho thêm rối biết ngày nào xong./ Chim kia bay bổng trên không,/ Cá kia vùng vẫy giữa dòng bể khơi./ Vật còn có cảnh làm vui,/ Người sao ham mãi cái mùi lợi danh./ Đứng trên bãi cát mông mênh,/ Một trời một biển với mình là ba./ Cao ngâm một tậpNam Hoa,/ Mấy bầu máu nhiệt cũng hòa gió mây”…
Nguyễn Hữu Sơn (Văn nghệ số 26/2017)
Gần một thế kỷ đã qua đi, bạn đọc ngày nay tìm về các trang du ký của Đặng Xuân Viện trên Nam phong tạp chí vẫn có thể cảm nhận được nỗi lòng tác giả trước thời cuộc và niềm vui trong những chuyến đi từ vùng biển đến non cao, từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung, từ nông thôn đến cố đô Huế. Năm tác phẩm của Đặng Xuân Viện thể hiện niềm tin yêu và sự gắn bó sâu sắc với Nam phong tạp chí cũng như góp phần quan trọng vào thành công của thể tài du ký và tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Học giả, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Đặng Xuân Viện (1880-1958), tục danh Bốn Đễ, bút danh Phục Ba, Thiện Đình, Đặng Nguyên Khu, Đặng Viết Nhiêu; quê sinh làng Hành Thiện(nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); là con thứ tư cụ nghè Đặng Xuân Bảng (1828-1910) từng làm quan trải các chức Án sát, Bố chánh, Tuần phủ, Đốc học; là cha Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988). Đặng Xuân Viện học rộng nhưng không đỗ đạt, có làm Thừa phái tỉnh Hưng Yên và Hòa Bình trong mấy năm rồi xin nghỉ, sau tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân phong kiến bắt quản thúc ở quê nhà. Ông cũng từng tham gia nhóm “Nam Việt Đồng Thiên Hội”, tích cực cộng tác với Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Ngọ báo và biên soạn các sách, chủ yếu hoàn thành trước 1945: Hà phòng quản kiến, Vô danh anh hùng, Hữu danh anh hùng, Nói có sách, Hán văn sơ học tiệp giải, Hành Thiện xã chí, Minh Đô sử…
Khi đã đến trong ngoài lứa tuổi năm mươi “tri thiên mệnh”, Đặng Xuân Viện vẫn đi nhiều, viết khỏe và cộng tác chặt chẽ với Nam phong tạp chí. Chỉ trong ba năm (1929-1931), ông đã trình làng trên tờ tạp chí văn hóa quyền uy và nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ với năm tác phẩm du ký: Định Hóa châu du ký (1929), Quảng Xương danh thắng, Cuộc đi chơi Huế (1930), Tây Đô thắng tích, Thụy Anh du ký (1931)… Xin nói thêm, không phải ngẫu nhiên Đặng Xuân Viện lại lựa chọn cộng tác với Nam phong tạp chí, cơ quan ngôn luận đã chú trọng xây dựng, duy trì, điều hòa tốt mối quan hệ Đông – Tây, dân tộc – quốc tế, truyền thống – hiện đại với việc xuất hiện cả ba loại hình ngôn ngữ Quốc ngữ – Hán ngữ – Pháp ngữ; nơi có nhiều bậc thức giả đồng trang lứa với ông cùng tận tâm tham gia viết bài, biên tập, kiến tạo (Chủ bút Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục…). Có thể khẳng định cả năm tác phẩm du ký của Đặng Xuân Viện đều nằm trong văn mạch mà nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định là một trong 14 bộ môn khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934 và nêu nhận xét: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng… Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta” (NXB Thuận Hoá – Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002, tr.34)…
Mở đầu Định Hóa châu du ký (Nam phong tạp chí, số 145, tháng 12-1929), Đặng Xuân Viện đi đến vùng non cao giáp giới hai tỉnh Thái Nguyên – Bắc Cạn và bày tỏ tâm tình trước quang cảnh thanh bình: “Lâu nay vẫn quen cái phong vị ở dưới đường xuôi, có lên đường ngược, lại sợ rừng thiêng nước độc, lại không muốn đi. Hồi mới rồi thấy dân bể bị bão, thấy rất thảm đạm, rất là tiêu điều, mà lòng lại thêm chán nản, muốn bước chân lên xứ thượng du, để quan sát cái cảnh tượng và phong tục, mà so sánh với dân bể như thế nào. Một hôm tiện đường ô tô lên chơi châu Định Hóa, nhìn xem phong cảnh đương mùa thu mà lại có vẻ xuân quang, trải bao phen mưa sầu gió thảm mà nhà gianh vách nứa vẫn nguyên vậy, vườn cau rặng chuối vẫn nguyên vậy, cây xanh lá dài vẫn nguyên vậy, non xanh nước biếc vẫn nguyên vậy, dân sự vui vẻ nghiễm nhiên có cái cảnh tượng thái bình; nên lưu lại ba ngày để du lịch, khiến được giải phóng cái sầu u uất vì cơn mưa bão mới đây”…; cho đến đoạn kết là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp trong tương lai: “Xem như vậy thời biết phong tục của họ đã nói ở trên này cũng dễ khai hóa, mà cái cách sinh hoạt của họ cũng dễ kiếm ăn hơn người đường xuôi. Thổ sản ở sơn lâm không bao giờ hết, có công tìm tòi thời cũng có lợi, chứ dưới đường xuôi quanh năm chỉ nhờ có hai vụ lúa, còn sự buôn bán ngày nay người khôn của hiếm, kiếm được đồng lãi rất là khó khăn. Vả nhà làm ruộng lâu nay không được như trước, phần lo nước lớn vỡ đê, phần lo nước sấp mặn, phần lo gió bão không những hại cả hoa màu mà lại hại cả tính mệnh nữa. Đến như thượng du nước bể nước sông không có ngập đến bao giờ, dù mưa có to, mưa lại chảy ra suối; gió to, gió lại cuốn vào rừng, nên chỗ ăn chỗ ở vững vàng không có quan ngại chi cả. Dám quyết sau này đường lối giao thông buôn bán tiện lợi, thời dân đường rừng làm ăn có thể hưng vượng hơn dân đồng bằng nhiều”…
Với bút danh Phục Ba, Đặng Xuân Viện viết Cuộc đi chơi Huế (Số 157, tháng 12-1930) có lẽ là một hồi ký hơn là những ghi chép tức thời. Tác giả kể rằng lần đầu đến Huế từ 1906, còn chuyến đi đang được kể lại diễn ra vào năm 1916 và hơn mười năm sau đó mới in báo. Hãy xem ông viết: “Hồi tưởng hai mươi sáu năm về trước đến bây giờ vẫn in sâu trong trí não, chửa bao lâu mà cái quang cảnh đã khác xưa, khác tự hoàn cảnh nó thay đổi… Cuộc đời kim cổ, bước khách giang hồ, ai giục ta đi, ai ngăn ta lại, thôi cũng phiếm du một dạo cho thoả chí tang bồng”… Sau khi tham dự tiệc vạn thọ nhân việc vua Khải Định đăng quang năm thứ mười, Phục Ba mô tả lại những ngày đến đọc sách ở thư viện của triều đình: “Lễ tứ tuần xong bạn rủ tôi lên ô tô về Nam, nhưng nghĩ đã vào đây chơi phiếm tốn bao nhiêu tiền mà chưa có bổ ích gì cho mình, khác gì vào núi ngọc mà lại trở về tay không, nên lưu lại Cổ Học Viện để xem sách, viện ấy là sở phiên dịch, từ khi đức Khải Định ở Tây về mới lập ra để thu thập lại các sách cổ của nước ta và các sách ở phương Đông và phương Tây, xếp đặt rất là trật tự. Ai muốn đến đấy xem sách thời phải nói với người chưởng sự ở viện ấy mới được lĩnh xem, xem xong lại xếp đặt như cũ; tôi xem sách ở đó hai tuần, nhân có hai bài thơ tức cảnh và ngụ ý cảm hoài”…
Trong bài Quảng Xương danh thắng (Số 157, tháng 12-1930), Đặng Xuân Viện với bút danh Thiện Đình đã khảo tả kỹ lưỡng cảnh đẹp núi Diệu Sơn (xã Quan Bằng), núi Lê Sơn (xã Vân Trai), núi Tặng Sơn (xã Gia Dụ), Vựng Tôm (xã Bồng Thượng)… Riêng cảnh núi Sầm Sơn được mô tả chi tiết: “Núi Sầm Sơn thuộc xã Lương Niệm,… phía đông nam có một ngọn núi gọi là núi Voi thuộc xã Trường Lệ, phía đông bắc lại còn có một ngọn núi gọi là Cổ Rùa, những chỗ ấy đều có đền thờ ông Độc Cước. Cái núi ấy dẫu không có ruộng sâu hang thẳm, rừng rậm cây xanh nhưng cũng có một cái thú thiên nhiên, khách du lịch đến đó ai cũng phải dừng chân nghỉ bước để mượn cái quang cảnh ấy làm cách tiêu dao, vì chỗ ấy cũng có cái gió bể ở phía đông bắc đưa lại, rất là khinh khoái, rất là êm đềm, lúc ban chiều trèo lên đỉnh núi nhìn chung quanh thời các núi xa gần có bao nhiêu vẻ ly kỳ đều phô bày ở trước mắt cả, trên mặt bể, thuyền xuôi lái ngược, nhấp nhô sóng gợn, coi như là một tập bức tranh thủy mặc treo bên mắt ta”…
Tiếp đến bài Tây Đô thắng tích (Số 160, tháng 3-1931), Thiện Đình vừa miêu tả cảnh đẹp vừa kể lại những lời “tục truyền”, “tương truyền” liên quan đến thành Tây Đô, núi Đốn Sơn, động Hồ Công, chùa Thánh Láng, chùa Du Anh… Tác giả kể rõ câu chuyện phong thủy thành Tây Đô liên quan đến số phận vương triều Hồ: “Bên nam thành có núi Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, trước Quý Ly đắp thành, lấy núi Đốn Sơn làm nội án, đắp đàn Nam Giao ở trên núi. Núi hình như cái cung, mở đường xe ngựa đi tự cửa nam thông đến chân núi, hình như mũi tên bắn vào trong thành, đó là mưu của ông Trần Khát Chân định đem phong thủy để trấn áp họ Hồ vậy”… Trong bài du ký này, Thiện Đình có chép lại mấy bài thơ của các ông Trạng nguyên nhà Mạc, ông Tiến sĩ Vũ Quỳnh, ông Đốc học Nhữ Bá Sĩ, ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ân đề vịnh triều đại nhà Hồ và cảnh núi An Tôn, núi Đốn Sơn… …
Cuối cùng, trong tác phẩm Thụy Anh du ký (Số 164, tháng 7-1931), Đặng Xuân Viện nhấn mạnh lợi ích của các chuyến du ngoạn, du chơi, du hành, du lịch: “Người ta nhân cái sự gì u uất, nếu không có cái vật gì để thưởng tâm ngoạn mục, thời lấy cách gì mà tiêu dao; gặp cái điều gì phiền não, nếu không tìm được chỗ nào mỹ cảnh kỳ quan thì lấy gì giải trí. Vì là người bị cái hoàn cảnh nó bức bách, làm cho mình phải rức óc chau mày, tất phải tìm cái cảnh khác để thay đổi, khiến cho mắt mình được trông thấy cái cảnh tượng êm đềm, tai mình được nghe thấy cái phong vị vui vẻ, thời cái tinh thần của mình mới được khoan thư, cho nên người Âu cứ đến kỳ vacance nghỉ làm việc đi chơi Tam Đảo cùng là nhà tắm Quất Lâm và Đồ Sơn, đó cũng là một cách tiêu khiển vậy”… Nhân chuyến du ngoạn và quan sát công cuộc trị bình, ông đánh giá cao hoạt động hành chính hợp hiến, hợp lý, khoan giản, hiệu quả của chính quyền nơi thôn quê: “Hiện nay đương chức quan Võ Thiện Khoái thay quan Nguyễn Trọng Khôi mới để lỵ đây, việc quan thanh giản chưa có sự gì nhiễu dân, huyện ấy không có trợ tá, chỉ có một lục sự để giúp việc tòa án và một thừa phái để giúp việc cai trị, thế mà việc quan cũng được chu đáo, không đến phiền bận như các nha. Đó là những lời bình phẩm của dân chúng, miệng khen chê chẳng qua cũng ở lòng yêu ghét, ta không lấy được làm chắc bằng, nên phải quan sát lại cho được đích đáng. Ta qua cổng huyện, không thấy dân sự chầu chực ở ngoài cửa, mà phố huyện không thấy tổng lý đi lại rộn rịp, hàng cơm hàng nước, khách khứa vắng tanh, thế đủ biết dân ít việc mà quan cũng ít việc”… Sau khi nêu nhận xét và cảnh báo lối trị dân “hành là chính”, Đặng Xuân Viện bày tỏ trách nhiệm công dân và trở lại vai trò người du ngoạn: “Tôi đây cốt chủ đi du lịch phong cảnh mà thôi, dám đâu lạm bàn đến quan phái. Nhưng vì những việc phạm đến tai mắt mà phải nói, đó cũng là cái cảm tình phát hiện tự nhiên vậy… Phong tục ở đây còn giữ thuần phác… Nghề nghiệp thời cũng có một hai làng đàn bà biết dệt vải sợi, còn có nghề đan vó, đan siếc, đan lưới, thời làng nào cũng có người biết làm”… Sau khi tường tả chi tiết các nghề làm thuốc lào, làm muối và đánh cá bể, Đặng Xuân Viện đi đến bộc lộ niềm thích thảng, hào sảng, an vui nhân chuyến du lịch sinh thái nơi miền biển: “Ta lại ra chơi bến Hộ, thấy hai bên nhà cửa đã thành ra phố sá, và có hiệu khách buôn vải sợi và tạp hóa không thiếu đồ chi, dưới bến thì có thuyền bè cũng lắm người đi lại buôn bán, thành ra một chỗ đô hội nho nhỏ, so với mấy năm trước thì lại có phần thịnh vượng hơn”… Cho đến đoạn kết, Đặng Xuân Viện nhấn mạnh suy tư về tự do cá nhân và môi trường xã hội, cõi người và thế giới tự nhiên, mối quan hệ tâm và cảnh, từ đó chưng cất bằng mười câu thơ lục bát: “Ta thường ước được cái điếu đài ở trên bãi bể gần cửa Hộ để khi nào nóng nực lên đó hóng mát và câu cá cho khuây truyện đời. Nhân có mấy câu ngẫu hứng: Cuộc đời như bối tơ quay,/ Nghĩ cho thêm rối biết ngày nào xong./ Chim kia bay bổng trên không,/ Cá kia vùng vẫy giữa dòng bể khơi./ Vật còn có cảnh làm vui,/ Người sao ham mãi cái mùi lợi danh./ Đứng trên bãi cát mông mênh,/ Một trời một biển với mình là ba./ Cao ngâm một tậpNam Hoa,/ Mấy bầu máu nhiệt cũng hòa gió mây”…
Nguồn Văn nghệ số 26/201