Theo Đặng tộc đại tông phả do Thái bảo Yên quận công Đặng Đinh Thự (1631 – 1698) biên soạn năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), Đại tư mã Ứng quận công Đặng Đình Tướng (1649 – 1735), con thứ ba của Yên quận công tục biên năm Bính Dần niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), Trấn thủ Nghệ An.
Cội nguồn
Tượng thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở từ đường Đặng tộc Hồng lam (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh)
Đặng Tất, Đặng Dung quê ở thôn Tả Hạ (tức thôn Đông Rạng), xã Tả Thiên Lộc, huyện Phi Lộc (thời Lê đổi là Thiên Lộc), lộ Nghệ An (nay là xóm Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), thuộc miền Trung đất nước, nhưng cội nguồn lại chính là đất Bắc.
Đặng Duy Phúc (2005)
Theo Đặng tộc đại tông phả do Thái bảo Yên quận công Đặng Đinh Thự (1631 – 1698) biên soạn năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), Đại tư mã Ứng quận công Đặng Đình Tướng (1649 – 1735), con thứ ba của Yên quận công tục biên năm Bính Dần niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), Trấn thủ Nghệ An, Thái Nhạc quận công Đặng Sĩ Hàn phụng sao và tục biên năm Ất Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và theo Đặng tộc phả ký do Đô tổng binh sứ Đặng Ngụ Quế biên soạn ngày 18 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) thì Đặng Tất là cháu đời thứ 8 của Thám hoa Đặng Ma La và là cháu đời thứ 5 của nhà Thiên văn – Lịch pháp Đặng Lộ.
Đặng Ma La (1234 – ? ), vị Thám hoa đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, quê ở làng Tốt Động, huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên (nay là thôn Tốt Động tục gọi là làng Kết, xã Tốt Động (Tụy Động), huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, sinh năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 3 (1234) đời vua Trần Thái Tông.
Ông nổi tiếng giỏi văn học từ nhỏ. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16, ông dự khoa thi Đinh Mùi (1247) đậu Thám hoa lúc mới 13 tuổi, cùng với Nguyễn Hiền 12 tuổi đậu Trạng nguyên và Lê Văn Hưu đậu Bảng nhãn là ba vị Tam khôi đầu tiên của nước ta. Trước đấy hai khoa thi Thái học sinh – khoa Nhâm Thìn (1232) và khoa Kỷ Hợi (1239) – chỉ mới định lệ chia thành hai bảng Giáp, Ất (trong bảng Giáp lại chia thành giáp, nhị giáp, tam giáp) chứ chưa định lệ chọn Tam khôi (gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa – ba danh hiệu đứng đầu thì sinh thi đậu); và khoa Đại tỉ thủ sĩ (khoa thi lớn chọn học trò) năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông, Nguyễn Quan Quang đậu cao nhất cũng chỉ là người đậu đầu (Đệ nhất danh) mà thôi.
Chuyện kể rằng: Sau khoa thi, vua Trần Thái Tông cho triệu ba vị Tam khôi vào triều bệ kiến. Nhà vua thấy Nguyễn Hiền, Đặng Ma La bé nhỏ, lúng túng trong bộ quần án vua ban rộng thùng thình, liền hỏi:
Tân Trạng nguyên và tân Thám hoa nhờ đâu mà đang ít tuổi thế kia lại đỗ cao?
Nguyễn Hiền nhanh nhẩu đáp:
– Muôn tâu, sinh nhi dĩ tri (sinh ra đã biết).
(Lời Khổng Tử “Sinh nhi tri chi giả thượng dã”: sinh ra mà đã biết ấy là người ở bậc cao).
Đợi Nguyễn Hiền nói xong, Đặng Ma La chậm rãi lễ phép thưa:
– Muôn tâu, đắc ư sư truyền (được như thế là nhờ có thầy truyền dạy)
Đức vua nghe xong, cho rằng Nguyễn Hiền tuy văn chương giỏi nhưng lễ còn thiếu, lại còn quá nhỏ tuổi (mới 12 tuổi) nên chưa bổ dụng ngay, bắt về học thêm lễ, đợi ba năm sau sẽ triệu vào triều phong quan chức; còn Đặng Ma La tuy không lớn hơn Nguyễn Hiền là bao (hơn 1 tuổi) nhưng tỏ ra vừa có tài lại có lễ nên ban cho được rước vinh quy về làng và không lâu sau triệu ra kinh đô phong làm Thẩm hình viện sứ.
Sau mấy năm làm quan ở Thẩm hình viện, Đặng Ma La được phong tiếp lên Nhập thị nội các Tu soạn Kinh Diên, về sau được phong tiếp làm Thị giảng Vũ Hiển đại học sĩ cáo thụ Vinh Lộc đại phu.
Cuối đời, khi về hưu, ông về lập doanh ấp ở làng Chúc Sơn, huyện Chương Đức, sau đó di dời ra Kinh Dương, Hải Đông (nay là Hàng Kênh, Hải Phòng). Hiện còn lăng mộ và đền thờ ông tại Đình Đông, Hàng Kênh, Hải Phòng. Tại Khúc Thủy gần Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây hiện vẫn còn đền thờ và lăng mộ thân mẫu ông là bà Từ Chi Lý Thị Tiêu.
Đặng tộc đại tông phả
Theo Đặng tộc đại tông phả, Đặng Ma La là em ruột của Đặng Tảo Sinh và Đặng Diễn.
Đặng Tảo Sinh (1194 – ? ) sinh năm Giáp Dần (1194) thời vua Lý Cao Tông. Ông từng đậu Thái học sinh, làm quan qua các chức Thừa hiến, Phó Đô đốc Nhập thị nội các Tu soạn Kinh Diên, sau được thăng lên Đông Các đại học sĩ cáo thụ Vân ý Vinh Lộc đại phu, khi mất được truy phong tước Cao Nghĩa thần.
Đặng Diễn (1211 – ? ) quê ở làng An Đễ, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vốn gốc ở huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên. Ông học giỏi nổi tiếng, tham dự khoa thi Thái học sinh đầu tiên vào thời Trần Thái Tông – khoa Nhâm Thìn (1232), đậu đầu đệ nhị giáp (khoa đó Trương Hanh, Lưu Diễm đậu đệ nhất giáp, Trịnh Phẫu cùng đậu đệ nhị giáp, Trần Chu Phổ đậu đệ tam giáp), được bổ dụng làm quan, được thăng tới chức Thừa hiến sứ, cuối đời được thăng Lại bộ Tả thị lang cáo thụ Gia Nghị đại phu.
Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, Đặng Diễn là cháu Đặng Nghiêm, nhưng theo các nhà phả học họ Đặng thì Đặng Tảo Sinh, Đặng Diễn và Đặng Ma La là con của Đặng Nghiêm.
Là cháu hoặc là con, cần nghiên cứu làm rõ thêm nhưng có thể khẳng định Đặng Tảo Sinh, Đặng Diễn, Đặng Ma la là ba anh em, hậu duệ thân cận của Đặng Nghiêm.
Đặng Nghiêm (1170 – ? ) con trai thứ 5 của Đặng Phúc Mãn quê ở huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên, lớn lên di dời đến quê mới làng An Đễ, huyện Thư Trì, lộ Kiến Xương (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), sinh năm Canh Dần niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 8 (1170) thời vua Lý Anh Tông.
Ông thông minh, hiếu học, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, tài học uyên thâm rộng khắp Tam giáo (Nho, Lão, Phật).
Năm Ất Tỵ (1185), ông thi đậu khoa thi chọn Hiền sĩ lúc mới 15 tuổi, được chọn vào hầu giảng sách cho vua nghe.
Ông làm quan lên đến chức Thị lang bộ Công, tiếng tăm vang dội, vượt hẳn các sĩ phu đương thời.
Ông là người theo đường thi cử làm quan hiển đạt đầu tiên của hai lộ Kiến Xương, Thiên Trường (nay là hai tỉnhThái Bình,NamĐịnh). Nay tại thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn có đền thờ ông.
Cũng theo Đặng tộc đại tông phả, Đặng Ma La có con là Đặng Hữu Điểm, cháu nội là Đặng Nhữ Lâm, chắt nội là Đặng Lộ, tất cả đều là những nhân vật nổi tiếng.
Đặng Hữu Điểm là con trưởng của Đặng Ma La. Ông làm quan thời vua Trần Nhân Tông, được phong tới chức Đại phu.
Năm Tân Tỵ (1281) vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt một mặt sai Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Lưu Thâm, Tham chính A Lý chuẩn bị đem quân đánh Chiêm Thành, mặt khác sai sứ sang nước ta mượn đường đồng thời đòi giúp quân, cấp lương. Không mắc mưu của vua Nguyên, trên danh nghĩa là mượn đường nhưng kỳ thực muốn thừa cơ đánh chiếm nước ta, vua Trần Nhân Tông cử ông cùng Đại phu Lê Nổ dẫn một phái bộ sang Đại Đô (nay là Bắc Kinh), kinh đô nhà Nguyên, bề ngoài lấy danh nghĩa là nạp cống lễ nhưng thực chất là viện lý do để từ chối cho quân Nguyên mượn đường, giúp quân, cấp lương.
Do vua Trần không cho nhà Nguyên mượn đường, quân Nguyên không thể xuất quân đánh Chiêm Thành trong năm 1281. Cuối năm sau (12-1282), Toa Đô buộc lòng phải dẫn binh thuyền xuất phát từ Quảng Châu đưa quân theo đường biển vượt hải phận nước ta xuống phíaNamđánh Chiêm Thành.
Đặng hữu Điểm cùng Lê Nổ và phái bộ của ta, vượt qua mọi sự uy hiếp giám sát của triều đình nhà Nguyên, trong thời gian lưu lại ở Đại Đô đã tìm cách dò xét ý đồ của vua quan nhà Nguyên đối với nước ta cùng những mặt mạnh mặt yếu của quân Nguyên, khi về nước tau mọi việc cặn kẽ lên Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào việc chuẩn bị chống giặc Nguyên Mông.
Bản lĩnh của Đặng Hữu Điểm khi đi sứ Nguyên Mông và những cống hiến tích cực của ông trong những năm làm quan phò vua giúp nước đánh giặc được đông đảo sĩ phu và nhân dân trọng vọng kính yêu.
Đặng Hữu Điểm có hai con trai là Đặng Như Tâm và Đặng Tảo, đều là những người nổi tiếng.
Đặng Nhữ Tâm ( ? – 1349) là con trưởng của Đại phu Đặng Hữu Điểm, cháu nội đích tôn của Thám hoa Đặng Ma La. Ông làm quan trải bốn triều Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, được phong tới chức Đại phu. Năm Kỷ Hợi (1299), ông được vua Trần Anh Tông cử cầm đầu phái bộ đi sứ nhà Nguyên, bị vua Nguyên Thành Tông Thiết Mục Nhĩ gây chuyện bắt giữ lại tại Đại Đô suốt hai năm liền, đến năm Tân Sửu (1301) mới chịu thả cho về nước.
Trong thời gian dài bị giữ lại trên đất Nguyên Mông, ông đã không chịu để thời gian trôi qua uổng phí. Lấy cớ là thù tạc xướng họa văn chương, ông đã cố công làm quen được một số quan lại người Hán, qua đó tìm hiểu dò hỏi nắm được một số kiến thức lịch pháp. Sau khi về nước ông đã truyền đạt những kiến thức đó cho con trai ông là Đặng Độ, đang làm Giám sinh Quốc tử giám ở Thăng Long, giúp Đặng Độ có thêm điều kiện sau này nghiên cứu sửa đổi lịch pháp nước ta phù hợp với khí hậu phương Nam.
Ông mất vào năm Kỷ Sửu (1349) niên hiệu Thiệu Phong thứ 9 đời vua Trần Dụ Tông, được triều đình và dân chúng đánh giá là một sĩ phu giàu tâm huyết, tận tụy yêu nước thương dân.
Đặng Tảo là con thứ hai của Đại phu Đặng Hữu Điểm, em ruột của Đại phu Đặng Nhữ Lâm, sống vào thời các vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông.
Ông nổi tiếng giỏi thơ văn và đạo đức cao trọng, từng thi đậu Thái học sinh, làm quan tới chức Thừa hiến nhập thị nội các Đại học sĩ, nhưng bất bình với quyền thần nên đã sớm dâng sớ từ quan, về sống ẩn dật, tình nguyện làm người trông coi chăm sóc Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông) ở núi An Sinh mà không chịu nhận bất kỳ tước vị và bổng lộc gì. Vua Trần Minh Tông thương ông sống đạm bạc, ban cho ông 20 mẫu ruộng để có hoa lợi sinh sống. Ruộng đó trước kia nhà vua từng ban cho Thứ phi Thiện Xuân, sau đó Thiện Xuân mắc lỗi nên đã có lệnh thu hồi. Khi có lệnh vua ban cấp cho ông, Thiện Xuân không chịu giao, ông cũng không đòi. Vua Trần Minh Tông có lần đến thắp hương ở Thái Lăng, muốn tìn gặp để cảm tạ ông đã chăm sóc rất chu đáo lăng mô Tiên vương nhưng ông đã tìm cách lánh mặt để không nhận lời vua khen. Tuy vậy, các vua Trần luôn kính trọng ông, nên thường cho người lui tới thăm hỏi, những khi có việc nước quan trọng còn cử người đến tranh thủ ý kiến của ông.
Do tài năng và phẩm hạnh cao đẹp, nhân dân đương thời ca ngợi ông là một trong 5 cao sĩ thời Trần (bốn người khác gồm: Tư nghiệp Chu Văn An, người từng dâng “Thất trảm sớ” xin Trần Dụ Tông giết 7 tên gian thần, Dụ Tông không nghe nên đã treo ấn từ quan; Trương Đỗ, quan Đại phu từng ba lần dâng sớ can Trần Duệ Tông không nên thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Duệ Tông không nghe nên đã từ quan, Duệ Tông sau đó bị tử trận; Bùi Mộng Hoa, xử sĩ, từng để luôn áo mũ lội xuống sông kéo cản thuyền Trần Nghệ Tông khi Nghệ Tông bỏ Thăng Long chạy sang Đông Ngàn trốn tránh quân Chiêm Chế Bồng Nga tiến đánh Thăng Long, về sau còn dâng sớ cho Nghệ Tông nêu việc Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhưng Nghệ Tông không nghe; Thái học sinh Trần Đình Thám khi đi sức nước Minh dám cãi với người Minh, đến khi Hồ Quý Ly cướp ngôi họ Trần, ông giải điếc để không chịu thần phục.
Sau khi mất, ông được vua Trần Nghệ Tông ban biển vàng ân tứ, trên biển vàng khắc hai chữ “Trung Tiết” (trung nghĩa tiết hạnh).
Đặng Lộ (thế kỷ 14) chắt nội của Đặng Ma La, cháu nội của Đặng Hữu Điểm, con trưởng của Đặng Nhữ Tăng, là kỵ nội của anh hùng dân tộc Đặng Tất.
Ông sinh ra và lớn lên trên đất trang Lương xá, xã mạc Xá, huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên (nay là thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tình Hà Tây), làm quan thời Trần Minh Tông (1314 – 1329), Trần Hiến Tông (1329 – 1341), Trần Dụ Tông (1341 – 1369), ngay từ bé đã nổi tiếng thông minh hay chữ khắp một vùng, đặc biệt tính thích ngắm trăng sao, quan sát bầu trời, ghi chép tình hình chuyển động của tinh tú, mặt trăng, mặt trời; khi về già, ông về quê xây dựng từ đường họ Đặng tại trang Lương Xá.
Chuyện kể rằng: lúc còn nhỏ, những tối mùa hè, những buổi sáng rạng mùa thu, Đặng Lộ thường nằm ngửa trên chõng tre mải mê ngắm và đếm trăng sao mặc cho bạn bè nô đùa ầm ĩ xung quanh. Nhiều tối, bố mẹ thấy khuya bắt vào ngủ mới chịu vào. Nhiều đêm, cậu nằm mê, miệng nói còn tay thì giơ lên trời chỉ trỏ trăng sao. Cậu cũng thích ngắm mặt trời lúc mới mọc, cả những khi lên đúng đỉnh đầu. Có lần, mải ngắm mặt trời lúc chính ngọ nên bị đau mắt nặng.
Lớn lên, Đặng Lộ được theo học ở Quốc tử giám Thăng Long rồi thi đậu Thái học sinh thời Trần Minh Tông, năm 1325 được nhà vua phong làm Liêm phòng sứ hai lộ Đại Hoàng và An Tiêm (nay là vùng Hà Nam, Nam Định). Sang thời Trần Hiến Tông, ông được phát hiện là người có hiểu biết sâu rộng về thiên văn, giải đáp được nhiều câu hỏi của nhà vua và triều đình nên được vua rút về triều phong làm Hậu Nghi lang Thái sử cục lệnh, hàm Tứ phẩm đứng đầu đài Thiên văn Hậu Nghi, đặt trong khu Khâm Thiên thành Thăng Long, chuyên nghiên cứu thiên văn, lịch pháp. Khâm Thiện giám được thành lập từ thời Lý nhưng công việc nghiên cứu bấy lâu vẫn còn rất sơ sài. Sau khi bổ nhiệm đứng đầu đài Thiên văn Hậu Nghi, ông đã cất công nghiên cứu, tìm tòi ròng rã trong mấy năm liền, sáng chế nên được một loại công cụ có hiệu năng rất cao. Đó là Lung linh nghi, một loại thiết bị thiên văn dùng để đo đạc xác định vị trí các vì sao, độ lệch của quỹ đạo mặt trời, mặt trăng so với xích đạo qua từng thời gian trong năm. Lung linh nghi gồm một quả cầu ở giữa bao quanh bởi nhiều vòng, đặt trên giá cao. Đại việt sử ký toàn thư đã đánh giá “Lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng không việc gì là không đúng”.
Do có nhiều kiến thức được tích lỹ từ lâu, cộng với những kiến thức được thân phụ Đặng Nhữ Lâm sau khi đi sứ nhà Nguyên về truyền thụ và những thu nhập mới từ Lung linh nghi, Đặng Lộ đã cất công nghiên cứu về lịch pháp thu được những thành tựu rực rỡ.
Năm Kỷ Mão (1339), ông dâng lên vua Hiến Tông bộ Lịch Hiệp Kỷ, một bộ lịch được ông lập nên trên cơ sở thời tiết khí khậu của nước ta. Nhà vua xem xong, khen ngợi và hạ chiếu cho cả nước dùng Lịch Hiệp Kỷ thay thế lịch Thụ Thời, từ lâu thông dụng ở nước ta và vốn được lập theo lịch Trung Quốc.
Nhờ theo lịch mới, trong đó các tiết trong năm được xác lập trên cơ sở tính toán dựa theo khí hậu phương Nam và theo ghi chép tình hình thời tiết của nhiều năm liên tục, việc cày cấy, chăm bón thu hoạch vụ mùa của nông dân, việc đánh cá của ngư dân, việc đắp đê phòng chống lụt bão có thêm nhiều thuận lợi. Nền nông nghiệp đất nước nhờ đó có thêm bước phát triển mới, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc khố theo đó được dồi dào thêm.
Khoa thiên văn và phép định lịch số nhờ có ông đã xác lập được vị trí xứng đáng trong xã hội. Những thành tựu của Đặng Lộ sau đó được Trần Nguyên Đán (1325 – 1390), ông ngoại của Nguyễn Trãi, kế thừa tổng kết biên soạn nên bộ bách thế thông khảo ghi rõ những ngày tháng nhật thực, nguyệt thực, thời tiết trong năm, vị trí các ngôi sao từng hình thành trong nhiều thế kỷ trước đến tận thế kỷ 14.
Với những thành tựu ông đã đóng góp cho đất nước, Đặng Lộ được ca ngợi là nhà khoa học thiên văn – lịch pháp đầu tiên của Việt Nam, một tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật – một lĩnh vực rất ít được quan tâm trong hàng bao trăm năm dưới chế độ phong kiến.
Dòng họ Đặng trên đất Chương Đức, Ứng Thiên, đến đời con của Đặng Lộ xuất hiện một sự di dời lớn. Đó là sự di dời xuống phương Nam của Đặng bá Kiển, con trai của Đặng Lộ nhằm tránh những con bão táp dữ dội nổi lên ở Thăng Long do sự nhiễu loạn tại triều đình ngay sau khi vua Trần Dụ Tông mất, Dương Nhật Lễ chiếm ngôi và do quân Chiêm Thành tiến công kinh thành, đốt cháy cung điện, giết trai tráng, bắt đàn bà con gái, cướp bóc vàng bạc châu báu của cải… Đặng bá Kiển đưa gia đình trốn tránh, chạy đến tận phía nam dãy Hồng Lĩnh, một dãy núi lớn nằm giữa ba huyện Nha Nghi (Nghi Xuân ngày nay), Phi Lộc (Can Lộc ngày nay) và Chi La 9Đức Thọ ngày nay), cạnh kề hữu ngạn dòng Lam Giang ở khu vực hạ lưu, thuộc phủ lộ Nghệ An.
Cuộc di dời của họ Đặng thời đó cũng gần giống như sự di dời sau này của họ Nguyễn do Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, cháu nội của Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495 – 1557), con trai của Phù Hưng hầu Nguyễn Miễn, xuất phát từ đất Canh Hoạch, Thanh Oai, Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Oai, tình Hà Tây) vào tận đất Phú Điền, Nghi Xuân, Nghệ An (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trong thời gian cuối thời Mạc, để đến các đời sau trên đất xứ Nghệ sinh sản nên những hậu duệ lỗi lạc như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Hành, Nguyễn Nễ vv….
Đặng Bá Kiển thụy là Trung Hậu, vốn là một nho sinh tài hoa, lớn lên sống với thân phụ ở Thăng Long, từng là Giám sinh Quốc tử giám. Cũng giống như thân phụ, ông muốn bằng tài năng thi cử đậu đạt rồi đi làm quan giúp nước giúp dân nhưng không may cho ông sinh ra giữa thời tao loạn, nếu không nhanh chân đưa gia đình chạy giỏi vùng nước sôi lửa bỏng thì chưa chắc đã giữ được mạng sống cho bản thân và gia đình.
Khi thân phụ còn sống, ông từng nhiều lần được nghe thân phụ kể và ca ngợi vùng đất phương Nam, đặc biệt là vùng đất Hồng Lĩnh – lam Giang, núi cao sông sâu, phong cảnh hùng vĩ, con người đôn dậu. Vì vậy ông quyết định dẫn vợ con và người thân lặn lội vào đất Nghệ An, vượt qua Lam Giang, men theo sườn phía tây dãy núi Hồng Lĩnh đi theo đường thiên lý khi gặp Hà Hoàng giang (sông Nghèn) thì rẽ trái hướng ra biển Đông, đến lập nghiệp tại một vùng đất hoang sơ ngay dưới chân núi phía nam dãy Hồng Lĩnh cách bờ biển Đông không xa. Đó là thôn Tả Hạ (tức Đông Rạng) xã Tả Thiên Lộc, huyện Phi Lộc (về sau trong thời Lê Thánh Tông đổi thành Thiên Lộc), phủ lộ Nghệ An (nay là xóm Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Thật ra vùng Phi Lộc nói riêng và vùng phủ lộ Nghệ An nói chung vào cuối thời Trần không còn là một vùng đất quá ư hoang sơ bởi các vua thời Lý và thời Trần từng hiểu biết rõ ý nghĩa phên dậu của vùng đất biên cương phía nam này của tổ quốc nên đã cất công khai phá, xây dựng, mở đường, đào sông, tập hợp dân cư, tạo thành những địa bàn an lạc, vững chãi. Lý Nhật Quang em ruột Lý Thái Tông, năm 1401, từng đưa quân vào đây xây dựng củng cố. Thái dư Lý Đạo Thành trong những năm 1072 – 1074 cũng từng được Lý Thánh Tông biệt phái vào Nghệ An chăm sóc chỉnh đốn. Tô Hiến Thành, năm 1167, đưa quân đánh Chiêm Thành, sau khi thắng lợi trở về cũng đã từng dừng lại nơi đây trấn an vỗ về dân chúng và cho xây dựng làng xã châu huyện quy cũ.
Tả Hạ tuy vậy đến cuối thời Trần vẫn chỉ là một thôn nghèo, dân cư thưa thớt, đất đai đa phần còn hoang hóa phủ dày bởi lau sậy, cỏ dại, cây hoang… Tuy nhiên, xét về mặt cảnh trí thiên nhiên mà nói thì nơi đây cũng thật nên thơ: phía bắc là dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn cao ngất, màu xanh cây lá phủ đậm quanh năm, phía đông là dãy Yến Giang tuy nhỏ hẹp nhưng bốn mùa sắc nước xanh trong, chảy lượn lờ quanh co nối liền các đầm ao đầy cá, đầy tôm, đôi bờ lau sậy xanh um. Cũng về phía đông cách không bao xa là biển Đông mênh mông có những bờ cát trắng phẳng lỳ, thuyền đánh cá ngày ngày ra khơi vào lộng. Phía tây và phía nam Tả Hạ là những cánh đồng lúa xen lẫn với lau sậy nằm giữa đôi bờ con sông Hà Hoàng đưa nước từ sông Lam ở phía bắc chảy quanh co tới phía nam nối với sông Đò Diệm rồi đỏ ra Cửa Sót ở biển Đông. Cũng về phía tây, cách thôn Tả Hạ không xã là con đường Thiên lý Bắc Nam khởi phát từ Thăng Long đến tận Hóa Châu (Thừa Thiên Huế ngày nay), đi ngang qua huyện Phi Lộc suốt từ Bắc chí Nam.
Đường Thiên lý Bắc Nam đi liền kề sát núi Nghèn (Ngạn Sơn) một ngọn núi nhỏ phía nam sông Nghèn, trên núi có ngọn Tháp Sơn 9 tầng cao ngất, được xây dựng từ năm Thiên Thánh thứ 4 (1031) đời vua Lý Thái Tông. Chuyện kể rằng vua Lý Thái Tông khi Nam tuần nghỉ chân tại đây, mộng thấy Đức Phật ban cho y bát, bèn sai dựng chùa xây tháp để bày tỏ lòng cảm tạ Phật Tổ (Ngọn tháp đến thời Lê Cảnh Hưng niên hiệu thứ 35 (1774) thì bị đổ còn ngôi chùa cạnh tháp thị bị dỡ phá vào thời Cải cách ruộng đất năm 1954 – 1955).
Tả Hạ cũng cách không bao xa động Hương Tích – thắng tích bậc nhất của dãy Hồng Sơn nổi tiếng và ngôi chùa Hương Tích cổ kính được xây dựng từ đầu thời Trần.
Động Hương Tích không chỉ nên thơ với “suối thơm”, “rừng biếc”, “mây núi”, “trăng ngàn”…. như các thi sĩ xưa ca ngợi mà còn với “thành Trang vương 99 nền đá” (được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương) ‘am Thánh Mẫu đối diện với biển Đông” và đặc biệt với chùa Hương Tích “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, nơi tu hành đồng thời là nơi hóa Phật của công cháu Diệu Thiện trong câu chuyện kể nang tính huyện thoại từ xa xưa.
Chùa Hương Tích vào thời Đặng bá Kiển di dời đên Tả Hạ đã là một ngôi chùa tráng lệ và vào đời sau – thời Nguyễn Tây Sơn, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp – người từng kết bạn tẳm năm với một hậu duệ của ông, bà Đặng Thị Nghi, con gái của Thái bộc Tự khanh Đặng Thái Bàng, cháu ngoại của Thiếu bảo Liêu quận công Đặng Sĩ Vinh – từng viết thơ ca ngợi:
Hương Tích Trần triều tự
Hồng Sơn đệ nhất phong
Di am không bạch thạch
Cổ chỉ đản thanh tùng
Phong nguyệt trường như thử
Thần tiên bất khả phùng
Dịch:
Hương Tích tự thời Trần
Hồng Sơn đệ nhất danh
Am xưa trơ đá trắng
Nền cũ rợp thông xanh
Gió trăng dường vẫn vậy
Thần tiên gặp chẳng thành
Người dịch: ĐẶNG DUY PHÚC
Đặng Bá Kiển khi đến Tả Hạ, định dành toàn bộ thời gian cho cuộc sống ẩn dật nhàn tản và cho việc nuôi dạy con cái, nhưng dân làng dần dần nhận ra ông, một người vừa có đức độ vừa có tài học uyên thâm, nên đã không cho ông ở ẩn yên mà đã mời ông đứng ra lập trường dạy học cho con em trong vùng, sau đó nhân có nhiều việc phải đối phó với quan trên, lại mời ông đứng ra cáng đáng cả việc làng việc xã, giữ chức Chức sắc mục, đứng đầu hàng hương chức. Không muốn chẳng được, ông buộc lòng phải đối diện, bằng tài năng giúp làng giúp xã xây dựng xóm làng ngày mỗi khang trang, cuộc sống nhân dân mỗi ngày mỗi trù phú. Đặc biệt ngôi trường của ông mỗi ngày mỗi thu hút thêm nhiều học trò, không chỉ thôn làng Tả Hạ nhỏ hẹp mà còn từ khắp các xã thôn trong huyện Phi Lộc và nhiều huyện khác của lộ Nghệ An. Nhiều học trò ông thành đạt trở nên nổi tiếng, trong đó có nhiều con cháu ông từng hiển đạt rạng rỡ khoa danh, đặc biệt có con trai trưởng là Đặng Bá Tĩnh đã đậu Thám hoa thuộc hàng Tam khôi.
Nhờ có nhiều công lao tại địa phương và về sau có nhiều con, cháu, chắt đậu đạt cao, làm quan to, nên ông được nhà vua và triều đình phong tước Thái bảo nhân hầu, khi mất di hài được đưa lên táng tại thung Sơn (tức núi Long Ty), một ngọn núi thấp, có phong cảnh đẹp nằm trong hệ thống Hồng Sơn 99 ngọn.
Hiện nay, lăng mộ ông vẫn còn ở Thung Sơn và cứ ba năm một lần, đúng vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch các năm Tý, Mão, Ngọ, dậu, cháu chắt ông ở Tùng Lộc, Can Lộc và ở khắp nơi hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cùng nhiều nơi khác trong cả nước đã về đất tổ mở hội dâng hương tưởng niệm ông và hai hậu duệ của ông – hai anh hùng dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung – tại đền thờ ngay chính trên đất Tả Hạ xưa.
Đặng Bá Kiển tổ 4 đời của Đặng Tất chính là Thủy tổ của họ Đặng đất Hồng Lam, người mở đầu dòng họ Đặng đông đúc, có nhiều hậu duệ nổi tiếng trên hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và trên nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước (cháu chắt các đời sau của ông bà đã di dời đến lập nghiệp tại rất nhiều tỉnh thành đặc biệt rất đông ở Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long.
Người đời sau ngưỡng mộ ông, đã tặng ông đôi câu đối treo tại đền:
Hồng Lĩnh triệu cơ
Lam Giang khởi tự
(Dựng nền tảng trên đất Hồng Lĩnh
Mở văn nghiệp bên dòng Lam Giang)
Nhìn vào sự nghiệp của con cháu họ Đặng về sau ăn sâu trên đất Nghệ Tĩnh và tỏa rộng trên khắp đất nước thì quả thật Đặng Bá Kiển rất xứng đáng với sự ca ngợi đó.
Tiếp nối sự nghiệp của Đặng Bá Kiển, nổi bật có Đặng Bá Tĩnh, con trai trưởng và học trò xuất sắc của ông. Đặng Bá Tĩnh chính là ông nội của Đặng Tất.
Đặng Bá Tĩnh lớn lên trên đất Tả Hạ, theo học ngay chính cha mình, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh. Mới vào tuổi thiếu niên, ông đã lầu thông kinh sử, cầm bút viết ngày thành văn, mở miệng đọc ngay thành thơ, không chỉ nổi bật trong ngôi trường của cha mà từng nổi tiếng hay chữ khắp vùng.
Lớn lên, Đặng bá Tĩnh ra kinh đô đi thi, lần lượt vượt cả bốn trường, đậu Nhất giáp Thái học sinh, theo thứ tự Tam khôi trúng danh hiệu Thám hoa. Bài thi của ông được quan giám khảo phê: “Văn bài tuyệt hảo, chữ đẹp như rồng bay trong mây, hổ vờn trước gió, lời văn ý tư như đại bàn sải cánh tại chín tầng không”.
Đặng bá Tĩnh là người khai khoa của họ Đặng đất Hồng Lam, cũng là một trong những người đầu tiên đậu đại khoa trên đất Hoan Châu xưa. Những danh sĩ đậu đại khoa đầu tiên khác của lộ Nghệ An vào thời Trần còn có Đào Tiêu quê ở Yên Hồ, huyện Chi La (nay là huyện Đức Thọ) đậu Trạng nguyên vào thời Trần Thánh Tông; Sử Hy Nhan quê ở Ngọc Sơn (trước thuộc huyện Phi Lộc nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh), đậu Trạng nguyên vào cuối thời Trần, cùng thời với Đặng Bá Tĩnh.
Sĩ phu đương thời ở lộ Nghệ An không biết nhiều về các bậc tiền bối của Đặng Bá Tĩnh, chỉ biết thân phụ ông là Đặng Bá Kiển thường ngày vừa cày ruộng vừa dạy học cùng với vợ là bà Từ Thiện chuyên lo việc canh cửi, cả hai người từng cần mẫn làm lụng nuôi con khôn lớn nên khi ông thi đậu đạt cao, đã tặng ông bức hoành phi đại tự bảy chữ:
Điền canh sự nghiệp kiến tùng thư
(Cày ruộng mà làm nên sự nghiệp thơ văn lớn lao)
Sau khi thi đậu, Đặng Bá Tĩnh được nhà vưa bổ dụng đi làm quan, từng trải qua các chức Hành khiển, Chuyển vận sứ, cuối đời được thăng lên Thượng thư bộ Lại tước Tuấn Sĩ hầu.
Kế tục sự nghiệp của Đặng Bá Tĩnh có các con trai Đặng Đình Dực, Đặng Lâm, Đặng Kỳ, Đặng Phi.
Đặng Đình Dực (còn có tên là Đặng Kiến Tường), con trưởng của Thám hoa Đặng Bá Tĩnh và phu nhân Trần Thị Ngọc Diệp, là thân phụ của Đặng Tất.
Ông ngày từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi dạy chu đáo, lớn lên theo học ở Thăng Long, từng là Giám sinh Quốc tử giám, nổi tiếng một nho sinh tài hoa.
Lớn lên giữa thời Trần mạt, ông muốn có thời gian tu nghiệp lâu ở Thăng Long rồi có cơ hội thi cử đậu đạt biểu hiện tài năng, nhưng giữa lúc đất nước loạn lạc, triều đình không kịp mở khoa thi Thái học sinh, ông buộc lòng phải theo lệnh vua, bỏ dở dang việc trau dồi văn chương ở Quốc từ giám, nhận chức phong Tri châu Quỳ Hợp đi trấn giữ miền thượng du lộ Nghệ An. Đất Quỳ Hợp vào cuối thời Trần là một miền đất dữ. Ở trong châu thì người dân tộc thiểu số nổi loạn, còn ở phía tay nam và tây bắc thì người Bồn Man, người Ai Lao thường xuyên đưa quân vào cướp phá, quấy nhiễu.
Đặng Đình Dực trên cương vị Tri châu đã nổ lực tổ chức lại đội quân triều đình giao cho châu quản giữ, phối hợp với các toán dân binh do một số thổ hào yêu nước cầm đầu, nhiều lần đánh bại âm mưu cướp đất bắt dân của vua chúa Bồn Man, Ai Lao.
Tuy nhiên giữa hoàn cảnh đất nước đang rối bời, triều Trần sắp đổ, Hồ Quý Ly sắp làm chuyện thoán đoạt, ngoại bang thì từ ba phương bốn phía không ngừng tìm cơ hội phá phách, lấn chiếm, Đặng Đình Dực cuối cùng đành chôn vùi sự nghiệp một cách dang dở tại vùng đất núi rừng miền Tây. Giá trị lớn lao nhất của ông và phu nhân Từ Huệ để lại cho đời, cho đất nước chính là đã sinh hạ nuôi dưỡng được con trai Đặng Tất, cháu nội Đặng Dung, những con cháu tài hóa, những anh hùng lỗi lạc, từng oanh liệt hiến trọn đời mình cho công cuộc khánh chiến thần thánh chống giặc Minh xâm lược, viết nên trang sử hào hùng đóng góp xứng đáng vào truyền thống lịch sử anh hùng bất khuất hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm của nhân dân đất Việt.