Có đồn Nu nơi rộn rã tiếng trống trong những ngày Cần Vương cứu nước; Nơi âm thầm đi về của nhiều chiến sỹ yêu nước – đồng chí của cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn; Nơi sôi nổi, hào hùng trong những năm XVNT (1930-1931) dưới lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Truyền thống yêu nước của Họ Đặng xã Thanh Xuân, Thanh Chương
Thanh Xuân nằm ở mạn núi huyện Thanh Chương, ở bên dòng sông Lam, dưới chân ngọn núi Thai Sơn, thuộc dãy Thiên Nhẫn. Ở đó có khe Hoa, có thành Lục Niên – căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi, có thành Bình Ngô của Phan Đà – tức Bạch Mã đại vương, một tùy tướng của Lê Lợi trong những ngày chống quân Minh; Có đồn Nu nơi rộn rã tiếng trống trong những ngày Cần Vương cứu nước; Nơi âm thầm đi về của nhiều chiến sỹ yêu nước – đồng chí của cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn; Nơi sôi nổi, hào hùng trong những năm XVNT (1930-1931) dưới lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trước cách mạng tháng 8, xã Thanh Xuân có tên là Lương Điền, còn tên gốc, theo người địa phương cho biết là Điền Lao, có từ đời Lê. Nhân dân Lương Điền nổi tiếng cứng đầu, căm ghét bọn quan lại, tích cực tham gia các phong trào yêu nước.
Khi phong trào Cần Vương trong cả nước đã lắng hẳn thì ở Đồn Nu vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Người dân Lương Điền rất tự hào với lời đánh giá của Văn Thân Nghệ Tĩnh: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn chiến đấu, Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chưa chịu hàng.”
Dòng họ Đặng là một trong những dòng họ nổi tiếng về khoa bảng, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Các con cháu trong dòng họ đều tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp như phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, Đông Du và XVNT 1930-1931…
* Cụ Đặng Thai Giai (1841-1918) còn có tên là Đặng Thai Hài, đậu cử nhân khoa Mậu Dần năm Tự Đức thứ 31 (1878), được bổ làm Huấn đạo tỉnh Quảng Trị trông coi việc học hành, sau chuyển ra làm tri huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Kỳ. Bất mãn với đường lối chủ hòa của triều đình Huế, cụ đã “treo ấn từ quan” đưa cả gia đình về quê và hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Tuy không xướng nghĩa mộ quân, nhưng cụ đã mở 3 trại cày, đem tiền bạc, thóc gạo giúp đỡ nghĩa quân và vận động con cháu cùng nhân dân tham gia. Lúc nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu từ Cửa Hội chạy lên vùng Thiên Nhẫn để lập căn cứ, cụ đã giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình. Cụ cũng luôn quan tâm đến việc giáo dục tri thức mở mang trí tuệ cho con cháu trong dòng họ vì vậy cụ đã mời cụ Phan Văn Phổ (thân sinh của cụ Phan Bội Châu) lên Lương Điền dạy học tại nhà mình. Phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp đàn áp dã man, cụ bị thực dân Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam tại nhà lao Vinh. Mãn hạn tù, chúng không cho cụ về quê mà quản thúc tại Vinh, mãi đến lúc cụ ốm quá nặng chúng mới cho đưa về nhà, sau 10 ngày cụ đã qua đời trong niềm đau đớn, tiếc thương của con cháu và dân làng.
* Đặng Nguyên Cẩn (1866-1923): tức Đặng Thai Nhẫn, là con trai đầu của cụ Đặng Thai Giai và bà Đinh Thị Hoan, là thân phụ của Đặng Thai Mai, hiệu là Thai Sơn, đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), đậu phó bảng khoa Ất Mùi năm 1895, trước khi đi thi ông đã là giáo thụ Hưng Nguyên, sau được thăng Đốc học Nghệ An, Đốc học Bình Thuận. Ông là danh sĩ có tiếng về học vấn uyên bác, về văn thơ. Ông đã cùng với Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế (Hà Tĩnh) lập “Triều dương thương quán” ở Vinh vào năm 1907. Cụ Huỳnh Thúc Kháng vô cùng khâm phục đã có lời nhận xét: “Cụ Đặng là một nhà học rộng, sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc đẩu, là một người bạn già thân thiết của cụ Sào Nam. Tướng cụ xấu, nếu như không quen biết mà mới gặp cụ lần đầu, tất cho là người không biết chữ nhất là một, mà ai dè trong bụng như kho sách, khí át nghìn quân; cái ngòi bút cổ kim không ai sánh, hiệp thành cái lạ mà người đời ít có”.
Năm 1908, thực dân Pháp tiến hành khủng bố Duy Tân Hội vì vậy “Triều dương thương quán” bị đóng cửa. Ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 13 năm tù, đày đi Côn Đảo đến năm 1921 ông mới được tha về.
* Đặng Thúc Hứa (1870-1931): đỗ tú tài năm Canh Tý (1900) nên mọi người thường gọi là ông Tú Hứa. Tuy đỗ đạt nhưng ông không ra làm quan mà tích cực tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân Hội. Phụ trách việc quyên góp tiền bạc cho thanh niên Đông Du.
Năm 1909, Đặng Thúc Hứa trực tiếp mang số tiền 2.500 đồng quyên góp được sang Trung Quốc gặp cụ Phan Bội Châu và được giao nhiệm vụ sang Nhật mua súng để tiếp viện cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám.
Năm 1909, Đặng Thúc Hứa về Xiêm và gây dựng cơ sở cách mạng Trại Cày. Từ năm 1909-1924, các cơ sở Việt Kiều ở Xiêm phát triển mạnh. Đi theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, hàng trăm thanh niên yêu nước của Nghệ Tĩnh đã vượt núi, băng rừng sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa rồi sang Trung Quốc hoạt động. Nhiều người con ưu tú sau này đã trở thành những hạt giống Đỏ cho phong trào cách mạng Việt Nam như các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Phùng Chí Kiên…
Để tuyên truyền giáo dục Việt kiều hướng về tổ quốc, học tập tiếng mẹ đẻ, phổ biến chữ quốc ngữ trong các trường học, góp phần giải phóng dân tộc, năm 1927 tờ báo “Đồng Thanh” ra đời, đến năm 1928, báo “Đồng Thanh” được đổi thành báo “Nhân ái” cho phù hợp với tiến trình của lịch sử.
Từ năm 1928, cơ sở cách mạng được mở rộng ở nhiều tỉnh trên đất Xiêm, nơi có đông Việt kiều sinh sống. Đặng Thúc Hứa còn vận động mở nhiều trường cho con em Việt kiều học tập.
Đặng Thúc Hứa là một trong những người Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Xiêm. Công lao to lớn của Đặng Thúc Hứa là đã xây dựng Trại Cày, phát triển cơ sở cách mạng của việt kiều ở Xiêm, góp phần quan trọng đào tạo nên nhiều cán bộ cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Ông là người có đạo đức trong sáng, được mọi người mến phục tin yêu.
Ngày 12/2/1931, sau chuyến công tác từ Xiêm Mây về UĐon, Đặng Thúc Hứa đã lâm bệnh và qua đời.
* Đặng Quý Hối (Nho Hối), là con trai thứ 3 của Đặng Thai Giai, là em trai của Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, là chú ruột của Đặng Thai Mai, là cha của Đặng Thai Đậu, Đặng Thị Hợp (đều xuất dương sang Xiêm hoạt động cách mạng).
Tuy học rất giỏi và nổi tiếng không kém gì 2 người anh trai của mình nhưng ông đã không ra thi cử mà tích cực tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp. Ông là lãnh tụ của Hội Duy Tân và phong trào Đông Du ở vùng Thanh Chương. Ông bị thực dân Pháp bắt, đày vào giam tại nhà tù Lao Bảo, đồng thời chúng còn đốt luôn ngôi nhà 5 gian của ông.
Cuối năm 1918, sau một thời gian bị giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man, ông đã hy sinh anh dũng tại nhà tù Lao Bảo.
*Đặng Quỳnh Anh (1888-1986): là con của Đặng Thái Văn một sỹ phu yêu nước đã theo ông Đề Định phò vua Hàm Nghi chống Pháp, là em con chú của Đặng Nguyên Cẩn, xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) năm 1913. Sau hơn 2 tháng trời lưu lạc, vượt núi, xuyên rừng, đói rét, thú dữ, hiểm nguy luôn rình rập, cuối cùng bà cũng đến được Bản Thầm đại bản doanh của cụ Đặng Thúc Hứa. Tại đây bà đã nhận công việc nuôi dạy trẻ và chăm lo cho các đồng chí của mình như tình cảm của người chị hiền.
Những năm 1922 - 1925, thanh niên trong nước sang Thái ngày càng đông, trong số đó có đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Phùng Chí Kiên. Thấy anh em sang phải vất vả làm thuê để sinh sống, bà đã bàn với chồng nhường tất cả cơ nghiệp lại cho anh em để có điều kiện hoạt động. Năm 1934, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều lần bà bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giữ vì hoạt động cộng sản, bị kết án hơn mười năm tù, ra tù bà lại bắt liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động.
Năm 1953 bà được về nước sau 40 năm xa tổ quốc, quê hương. Lúc này bà đã 65 tuổi nhưng vẫn xin TWHLHPNVN cho nhận công tác nuôi dạy trẻ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đặng Quỳnh Anh là một tấm gương tiêu biểu về khát vọng được hiến dâng nhiệt huyết trái tim mình cho Đảng, cho tổ quốc, cho quê hương.
* Đặng Thai Mai sinh ngày 25/12/1902 trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Khi Đặng Thai Mai mới 6 tuổi, thân phụ Đặng Nguyên Cẩn vì tham gia phong trào Duy Tân, bị khép vào tội mưu phản, chống nhà nước bảo hộ, cụ đã dùng lý lẽ bác bỏ mọi điều ghi trong cáo trạng. Tuy thế, tòa án Nam Triều Nghệ An vẫn kết luận: “… chưa có hành động phản quốc cụ thể, nhưng lòng phản quốc thì đã rõ ràng…” cụ bị xử án tù chung thân, bị đày đi Côn Đảo. Chú ruột là Đặng Thúc Hứa cũng trốn sang Trung Quốc liên lạc cho phong trào Đông Du, rồi sang Xiêm hoạt động.
Năm 1915, từ biệt quê hương Đặng Thai Mai vào học trường tiểu học Pháp Việt Vinh. Tốt nghiệp tiểu học, năm 1920 Đặng Thai Mai đã thi đỗ thủ khoa vào trường Quốc học Vinh, khóa đầu tiên. Trong thời gian này Đặng Thai Mai được tiếp xúc với các đồng chí Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Trần Mộng Bạch, kết bạn với Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt là những người bạn cùng quê, cùng chung chí hướng.
Năm 1925, Đặng Thai Mai quyết định thi vào khoa văn trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. 3 năm ở trường Cao đẳng đã đem đến những biến đổi rất lớn về tư tưởng cũng như tinh thần cho Đặng Thai Mai. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, năm 1928 Đặng Thai Mai được bổ làm giáo sư trường Quốc học Huế và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại đây. Năm 1929, Đảng Tân Việt bị vỡ, ông bị bắt và bị kết án 1 năm tù án treo, ông vẫn tiếp tục tham gia phong trào “Cứu tế Đỏ” và lại bị kết án 3 năm tù. Khi ra tù (1932), ông trở ra Hà Nội dạy tại trường Gia Long, sau đó ông cùng với Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp… lập trường tư thục Thăng Long.
Năm 1936, Đặng Thai Mai được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, ông vẫn tiếp tục dạy học và tham gia viết sách báo nhằm tuyên tuyền trong quần chúng nhân dân về việc xây dựng một nền văn hóa mới cho nước nhà.
Cách mạng tháng Tám thành công, Đặng Thai Mai được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban dự thảo hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khóa I. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu Giáo sư giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục. Theo sự tiến cử của Người thì Đặng Thai Mai là “Một người lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ”.
Những năm tiếp theo, Đặng Thai Mai được phân công vào những nhiệm vụ phần lớn có tính chất khai phá như: Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa (1947-1948), Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam (1948-1949), Giám đốc Trường Đại học Văn khoa liên khu IV.
Hòa bình lập lại, Đặng Thai Mai được điều làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn-Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ nhiệm lớp Hán học…
Với hơn 50 năm phục vụ đất nước, trong đó gần nửa thế kỷ là người cầm bút, ông đã để lại cho đời 14 tập sách, nhiều công trình nghiên cứu ngắn và vừa. Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chủ nghĩa nhân văn dưới thời văn hóa phục hưng, giảng văn “Chinh phụ ngâm”, Triết học khái luận, Lược sử văn hóa hiện đại Trung quốc…Đặng Thai Mai có 6 người con đều là giáo sư, tiến sỹ: Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như và 3 con rể mang quân hàm cấp tướng: Võ Nguyên Giáp, Phạm Hồng Sơn, Phạm Hồng Cư.
Ngày 25/12/1984, Đặng Thai Mai qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, nhiều thế hệ học trò, bạn bè giới trí thức, độc giả và nhân dân Việt Nam.
Ghi nhớ công lao của Đặng Thai Mai, Nhà nước đã tặng thưởng những huân chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trần Thị Kim Phượng