Đến năm 2004, nhận thấy tiềm năng cũng như lợi thế của địa phương thích hợp phát triển nghề nuôi ong, anh Đỗ Xuân Đoàn cùng một một số hộ nuôi nhiều ong mật ở xã đứng ra thành lập Hợp tác xã nuôi ong.
Với điều kiện thuận lợi về tiềm năng cũng như lợi thế về rừng
Là chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong, cũng là người gắn bó lâu nhất với nghề nuôi ong ở Sam Mứn, anh Đỗ Xuân Đoàn, cho biết, khi nghề nuôi ong ở Sam Mứn chưa phát triển mạnh như hiện nay, người dân trong xã thường bắt ong từ rừng về làm giống và tự nhân đàn. Dù thùng nuôi và kỹ thuật chăm sóc còn đơn giản, nhưng do ong dễ chăm sóc nên nhiều hộ gia đình đã duy trì việc nuôi ong theo các hình thức rất đơn giản. Có hộ thì dùng thùng xốp để nuôi ong, có hộ thì dùng gốc cây, khoét rỗng ruột bịt 2 đầu treo ngoài vườn duy trì đàn ong. Khi ấy, mọi sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong gia đình.
Đến năm 2004, nhận thấy tiềm năng cũng như lợi thế của địa phương thích hợp phát triển nghề nuôi ong, anh Đỗ Xuân Đoàn cùng một một số hộ nuôi nhiều ong mật ở xã đứng ra thành lập Hợp tác xã nuôi ong. Trong quá trình hoạt động, anh Đoàn đã chủ động tìm tòi về kỹ thuật chăm sóc ong cũng như cách nuôi ong đạt hiệu quả rồi truyền đạt kiến thức cho các thành viên. Với nỗ lực trong việc tìm nơi tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm mật ong làm ra đảm bảo chất lượng, thơm ngon, sản phẩm mật ong của hợp tác xã được ưa chuộng và bán chạy trên thị trường.
Anh Đoàn cho biết, con ong có thể tự nhân giống để phát triển. Bắt đầu từ lúc nuôi đến nay, sản phẩm tận dụng từ thiên nhiên đến 70%, chỉ còn số nhỏ phải đầu tư. Trong một năm, người nuôi ong chỉ mất nửa năm đầu tư thức ăn vào thời điểm cây cối không có hoa hoặc ít hoa; thời gian còn lại, ong sẽ tự tìm thức ăn từ thiên nhiên và làm mật. Người nuôi ong chỉ cần kiến thức tốt là có thể thu được rất nhiều sản phẩm từ ong như mật, sáp, sữa ong chúa. Từ khi anh Đoàn làm ong đến nay, kinh tế gia đình đã ổn định hơn, bình quân thu nhập từ nuôi ong khoảng 300 – 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Hiệu quả gấp 3-5 lần so với sản xuất nông nghiệp.
Theo anh Đoàn, Điện Biên có điều kiện nắng ấm nhiều hơn các tỉnh Đông Bắc nên con ong phát triển tốt. Mặt khác, nhờ có nguồn hoa rừng dồi dào nên chất lượng mật ong tốt hơn và được ưa chuộng hơn trên thị trường.
Gia đình anh Đỗ Xuân Kết ở Đội 10 là hộ có số lượng đàn ong lớn nhất xã Sam Mứn. Từ 10 đàn ong giống mua được năm 2001, đến nay gia đình anh đã nhân lên con số 300 đàn. Anh Kết cho biết, thực tế, so với tất cả nghề chăn nuôi của ngành nông nghiệp, chưa thấy nghề nào có lợi nhuận như con ong. Từ khi nuôi ong đến giờ anh Kết chưa bao giờ bị thua lỗ, mỗi năm mở rộng đàn ong thêm thì thu nhập lại tăng lên. Có những năm mất mùa, gia đình anh Kết cũng không bị lỗ, chỉ là lời nhiều hay ít. Với 300 đàn ong, năm 2014, sau khi trừ chi phí gia đình anh Kết thu được 500 triệu đồng. Từ một nông dân, cuộc sống gia đình khó khăn, nhờ phát triển nghề nuôi ong, lợi nhuận tăng lên giúp gia đình anh xóa đói giảm nghèo và vươn lên sống khá giả. Số tiền kiếm được từ nghề nuôi ong, gia đình anh Kết đã mua đất ở trục đường chính từ huyện Điện Biên đi Điện Biên Đông, anh xây nhà và lập cơ sở cung cấp các sản phẩm từ ong cho người dân và thương lái. Anh Kết cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng lên 500 đàn ong và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho con để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ngoài lợi ích về kinh tế từ sản phẩm mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, nuôi ong còn giúp cho vườn cây ăn quả phát triển tốt nhờ được thụ phấn đều đặn. Bởi thế, nhiều gia đình ở xã Sam Mứn đã kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả có quy mô rộng, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Nuôi ong mật thời gian qua đã và đang là một trong những hình thức phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết, việc nuôi ong lấy mật không đòi hỏi đầu tư nhiều về thời gian, công sức và diện tích đất mà hiệu quả kinh tế thu được khá cao. Hiện nay, toàn xã Sam Mứn có 10 hộ nuôi ong với gần 2.000 đàn, trung bình 1 hộ mỗi năm cho sản lượng từ 7 – 12 tấn mật thu nhập. Hiện c hi phí cho một đàn ong giống Ý khoảng 2 triệu đồng (tiền ong giống, tiền đóng cầu và đóng thùng nuôi). Mỗi thùng nuôi ong thu từ 70 – 80kg mật/năm; với giá mật ong dao động từ 70.000 – 90.000 đồng/kg, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Nhận thấy lợi ích từ việc nuôi ong, nhiều hộ gia đình ở các xã Sam Mứn, Núa Ngam, Pom Lót (huyện Điện Biên) đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn ong, qua đó nhân rộng mô hình nuôi ong trong toàn huyện. Từ đó cung cấp một lượng lớn mật ong cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay hoạt động nuôi ong ở Điện Biên cơ bản vẫn chỉ dừng lại ở tự phát, quy mô chủ yếu là nhỏ lẻ. Các hộ nuôi ong chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm tự tích lũy được qua quá trình nuôi, việc bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật về nuôi ong mật của ngành nông nghiệp còn hạn chế.
Mong mỏi chung của những người nuôi ong nơi đây là sớm được tham gia các lớp bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi ong; kỹ thuật phòng và điều trị các bệnh thường gặp ở đàn ong. Việc được huấn luyện, đào tạo bài bản sẽ giúp người dân hiểu hơn về giá trị của những sản phẩm làm ra từ ong. Từ đó nhân rộng mô hình nuôi ong đến nhiều hộ gia đình, phát triển nuôi ong cho năng suất cao, để nghề nuôi ong lấy mật thật sự là hướng thoát nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc nơi đây.