Dòng họ Đặng ở Ứng Hòa, Hà Tây có 2 người được sử sách nhắc đến vì công lao to lớn của họ đối với nền Lịch học nước nhà, đó là Đặng Nhữ Lâm và con là Đặng Lộ. Trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1301, Đặng Nhữ Lâm đã vẽ trộm bản đồ cung cấm của nhà Nguyên, mua giấu địa đồ, cấm thư, sao chép văn thư bàn chuyện đánh Giao Chỉ… Việc bại lộ, ông bị đuổi về nước.
Hai cha con họ Đặng
Dòng họ Đặng ở Ứng Hòa, Hà Tây có 2 người được sử sách nhắc đến vì công lao to lớn của họ đối với nền Lịch học nước nhà, đó là Đặng Nhữ Lâm và con là Đặng Lộ. Trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1301, Đặng Nhữ Lâm đã vẽ trộm bản đồ cung cấm của nhà Nguyên, mua giấu địa đồ, cấm thư, sao chép văn thư bàn chuyện đánh Giao Chỉ… Việc bại lộ, ông bị đuổi về nước. Tuy vậy, Đặng Nhữ Lâm đã kịp học được phép làm lịch mới của nhà Nguyên rồi đem áp dụng vào lịch pháp nước ta, khiến cho lịch Việt Nam lại giống lịch Trung Quốc muộn nhất cũng là từ năm Bính Ngọ – 1306 và trở nên chính xác hơn trước. Nối nghiệp cha, Đặng Lộ trở thành một vị lịch quan nổi tiếng với nhiều đóng góp về thiên văn và lịch pháp được chính sử ghi nhận.
PGS. Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng,
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (88). 2011
Thư tịch cổ viết rất ít về Lịch học nước nhà, bởi thế những gì ta còn đọc được là rất quý giá, nhưng cũng vì thế mà ta phải phân tích, tìm hiểu rộng ra mới lĩnh hội được những thông tin bổ ích và thấy rõ ý nghĩa của những trang viết đó.
Dòng họ Đặng ở Ứng Hòa, Hà Tây có 2 người được sử sách nhắc đến vì công lao to lớn của họ đối với nền Lịch học nước ta, đó là Đặng Nhữ Lâm và Đặng Lộ. Đặng Lộ là con của Đặng Nhữ Lâm. Đăng Nhữ Lâm được Ngô Thì Sĩ nhắc đến trong Việt sử tiêu án [1] như một người mắc lỗi. Điều này không thật công bằng. Do đọc sách không thấu đáo, viết ẩu, trong cuốn Tìm hiểu trận tuyến bí mật trong lịch sử Việt Nam [2], Nguyễn Hồng Dương kết tội Đặng Nhữ Lâm là phản quốc một cách sai trái. Thật đáng tiếc, từ người có công lại bị ghi thành người có tội; điều này rất cần được chiêu tuyết, chất chính lại. Đặng Lộ là người đầu tiên được Đại Việt sử ký toàn thư [3] ghi chép với tư cách một lịch quan có tài. Quả thật công lao và tài năng của họ đáng được nêu gương và ghi nhận. Ta cũng thấy, Đặng Lộ tiếp thu được thành quả từ cha mình mà phát huy lên, tạo nên một truyền thống gia đình. Để thấy rõ những đóng góp của hai nhân vật này, chúng ta cần lướt qua lịch sử Lịch học nước nhà.
1. Đôi nét về việc tìm lại lịch cổ Việt Nam
Trong các thư tịch cổ của nước ta, không thấy nói về một lịch cổ riêng của Việt Nam khác với lịch sử Trung Quốc. Cũng không thấy các nhà bác học như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú viết về vấn đề này. Song, trong thư tịch cổ, quả thật cũng có đôi chỗ phảng phất về khả năng có một lịch cổ Việt Nam, nhưng điều đó còn rất mờ nhạt: chẳng hạn trong Nam ông mộng lục, Hồ Nguyên Trừng có nhắc đến Bách thế thông kỷ của Trần Nguyên Đán; hay Đại Nam thực lục ghi lại lời tâu của sứ thần Nguyễn Hữu Thận lên vua Gia Long sau chuyến đi sứ về vào năm 1810, rằng mấy trăm năm qua lịch ta theo một phép cũ, trong khi Trung Quốc theo một phép mới… Thật ra, chỉ gần đây, sau khi đã tìm thấy lịch cổ Việt Nam, ta mới hiểu rõ ý nghĩa của những đoạn văn đó. Tuy vậy, từ lâu nhiều nhà nghiên cứu đọc Đại Việt sử ký toàn thư thấy trong đó những tháng nhuận không có trong lịch Trung Quốc; đã phân vân, tự hỏi: hoặc là sử gia ta chép sai, hoặc là lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc? Họ không tin Đại Việt sử ký toàn thư chép sai, nhưng cũng không tìm được bằng chứng xác thực về sự tồn tại của một lịch cổ Việt Nam.
Cho đến gần đây, rất nhiều người vẫn tin rằng, không có một lịch cổ Việt Nam. Một lý do đơn giản là có nhiều người đã bỏ công sức ra soạn các uốn lịch đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương ở đầu thế kỷ trước đều chỉ dùng lịch Trung Quốc. Những người khác tự nghĩ rằng mình không có chuyên môn về Lịch học, đành chịu. Ngay cả khi được tiếp xúc với các cuốn lịch cổ nằm ở thư viện, họ cũng không ngờ đó là lịch Việt Nam, hoàn toàn khác lịch Trung Quốc, nên không khảo cứu kỹ. Hơn một lần, các nhà soạn lịch đã tiếp cận các cuốn lịch cổ mà không biết giá trị của chúng. Cũng có thể có người đã tiến hành khảo cứu, nhưng không đủ kiên nhẫn và kinh nghiệm nên không đi đến kết quả cuối cùng. Vết tích về việc khảo cứu này còn lưu lại trong cuốn Khâm định vạn niên thư, ký hiệu R2200, ở Thư viện Quốc gia với các dấu khuyên đỏ bằng tay ở tất cả các tháng nhuận của 360 năm lịch. Cuốn lịch này đã được chúng tôi in bằng ảnh màu toàn bản trong cuốn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043) [4].
Do thấy các nước trong khu vực, hoặc là dùng lịch Ấn Độ, hoặc là dùng lịch Trung Quốc; nên ít người nghĩ rằng xa xưa Việt Nam ta từng có một lịch riêng.
Năm 1884, hiệp ước Giáp Tuất (Patenôtre) được ký, nước Việt Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và bị chia làm ba kỳ, theo ba chế độ quản lý khác nhau: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine). Do nhu cầu quản lý hành chính, người Pháp ở Bắc Kỳ đã soạn những cuốn lịch đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Có lẽ đầu tiên là Deloustal, R. soạn cuốn Calendrier annamite – français de 1802 à 1916 (Việt – Pháp hợp lịch) in vào năm 1908. Cuốn này được tái bản có bổ sung vào các năm 1915, 1922 và 1935. Rồi đến Cordier, G. và Lê Đức Hoạt soạn cuốn Concordance des calendriers lunaire et solaire de 1802- 2010 (Đối chiếu lịch Âm và lịch Dương của các năm 1802 – 2010) in vào năm 1935. Những cuốn lịch này thông dụng ở Bắc Kỳ và cả ở Nam Kỳ nữa. Cả ba tác giả đều có quan niệm sai lầm rằng xưa nay Việt Nam chỉ dùng lịch Trung Quốc, họ không biết rằng ngay thuở đó ở Trung Kỳ, Khâm Thiên Giám của nhà Nguyễn vẫn tự soạn lấy một lịch Âm-Dương riêng cho Việt Nam và hàng năm nhà vua vẫn ban phát lịch đó. Cái sai của họ giờ đây ta thấy rất rõ khi họ chép sai lịch các năm từ 1802 đến năm 1812 vốn khác hẳn lịch Trung Quốc thành ra hoàn toàn giống lịch nhà Thanh. Trong khi đó lịch nhà Nguyễn được in trong Khâm định vạn niên thư khác hẳn lịch nhà Thanh như chúng tôi đã nêu trong cuốn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043). Do chữ Quốc ngữ dần dần thay thế chữ Nho và các cuốn lịch trên lại rất phổ dụng, khiến cho sự ngộ nhận này trở thành thiên kiến sai lầm chẳng những đối với người ngoại quốc mà cả đối với người Việt Nam.
Bây giờ ta đã biết, từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, ông cha ta đã tự soạn lấy một lịch riêng để dùng. Song, việc tìm lại lịch cổ Việt Nam là một công việc khó khăn, lâu dài và còn cần tiếp tục. Công việc này bắt đầu từ năm 1944 bởi học giả Hoàng Xuân Hãn với bài Lịch và lịch đời Lê, trên tạp chí Khoa học và sau đó vào năm 1982 với cuốn Lịch và lịch Việt Nam [5] trên tập san Thông tin khoa học tại Paris. Chúng tôi đã được đọc hai cuốn lịch cổ của nước ta là Bách trúng kinh và Khâm định vạn niên thư. Cả hai đều là sách in, là những bằng chứng không thể bác bỏ được để khẳng định sự tồn tại của lịch cổ Việt Nam, khác hẳn lịch Trung Quốc. Từ hai cuốn lịch cổ đó và từ cuốn lịch chép tay là Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh, chúng tôi tìm ra lịch Việt Nam từ năm 1544 trở lại đây, gồm lịch nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và cả lịch của chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Chúng tôi đã công bố các lịch đó trên nhiều tạp chí và sách, nhất là in chi tiết trong cuốn Đối chiếu lịch Dương với lịch Âm-Dương của Việt Nam và Trung Quốc 2030 năm (0001-2030) xuất bản năm 2007. Cần lưu ý là các thư tịch cổ của ta đều dùng các lịch Việt Nam này để ghi chép các sự kiện lịch sử.
Tất nhiên suốt một ngàn năm Bắc thuộc, lịch chính thức dùng ở nước ta là lịch Trung Quốc. Sau khi giành được độc lập, các triều đại đầu tiên còn bề bộn nhiều công việc, chưa thể nghĩ đến việc tính lấy lịch để dùng. Có lẽ chỉ bắt đầu từ thời Lý, ta mới có điều kiện tính lịch. Nhưng thư tịch cổ chỉ bắt đầu ghi đôi điều về việc làm lịch ở thời Trần.
2. Đóng góp của hai cha con họ Đặng vào Lịch học thời Lý, thời Trần
2.1. Như ta biết, xưa kia trình độ khoa học ở nước ta không cao. Vì thế khi tính lịch ta không thể tìm ra một phép lịch mới mà chủ yếu học phép lịch của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cải tiến, thay đổi phép làm lịch luôn, nên lịch quan ta nhiều lúc không cập nhật được thông tin; bởi thế lịch ta thường khá giống lịch Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều lúc lịch ta khác hẳn lịch Trung Quốc, đó là những lúc ta dùng một phép lịch mà Trung Quốc vừa bỏ. Tất nhiên, như vậy lịch ta không được chính xác bằng lịch Trung Quốc; nhưng được cái lợi là ta không phải xin, không phải đợi lịch do hoàng đế Trung Quốc ban cho, không phụ thuộc vào “thiên triều”.
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã đối chiếu các ngày sóc có ghi Can Chi và các tháng nhuận trong Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử lược với lịch Trung Quốc, thì nhận thấy trong giai đoạn từ năm 1080 đến 1300 dưới thời Lý-Trần, lịch Việt Nam khác hẳn lịch Trung Quốc.
Về lịch thời Lý, học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Chúng ta có những lẽ để nghĩ rằng vua ta cũng tìm cách tính lịch và ban lịch. Với những sứ thần qua Tống, Mai Nguyên Thanh (1057), Kiều Văn Tư, Mai Cảnh Tiên, Lý Kế Tiên (1063), Quách Sĩ An, Đào Sùng Nguyên (1069), có thể có phương tiện học phép lịch của Tống. Trong đời Lý Thánh Tông, ở Tống có sự cải lịch năm 1064, đổi lịch Sùng Thiên ra lịch Minh Thiên. Rồi đầu năm Nhâm Tý 1072, Thánh Tông mất, Càn Đức (Nhân Tông) nối ngôi. Ba năm sau, sự xung kích trên biên thùy Lý-Tống rất mạnh. Chiến tranh bùng nổ, Lý Thường Kiệt xuất quân đánh đất Tống rồi rút quân về ngăn quân Tống xâm lăng. Đến năm 1078 mới thật hòa bình. Vua nhà Lý sai Đào Sùng Nguyên đi sứ Tống. Trong những năm xung kích, không lẽ triều Lý vẫn nhận được lịch Tống triều ban. Tôi nghĩ trước đó, từ cuối đời Lý Thánh Tông đã có viên chức soạn lịch ở triều Lý. Một điều buộc ta phải chú ý là sử Lý không hề nói đến viên chuyên môn về thiên văn hay lịch. Ấy có lẽ vì bấy giờ chỉ có lại viên coi việc ấy mà thôi. Sử có chép việc thi các lại viên về khoa viết chữ, khoa toán và khoa hình luật vào tháng 2 năm Đinh Tỵ 1077, chỉ mấy tháng sau khi đánh lui quân Tống trên sông Như Nguyệt. Tuyển toán gia cho việc thuế, việc tạo tác đã đành; mà chắc cũng để tính lịch” [5].
Như vậy từ năm 1080, nhà Lý đã tự tính lấy lịch, tất nhiên phải có những người giỏi lịch pháp để đảm nhiệm việc này và có những người có công trong việc đem lịch pháp về, chắc chắn là một trong các sứ thần kể trên. Đáng tiếc, sử gia xưa không chép gì về việc đó; nay ta không còn biếtai có cái công ấy.
2.2. Về lịch thời Trần, vào năm 1300, lịch Trần và lịch Nguyên còn khác nhau: Ta nhuận tháng 3, Trung Quốc nhuận tháng 8. Đến năm Bính Ngọ-1306, lịch ta và lịch Trung Quốc đều nhuận tháng Giêng, hai lịch giống nhau; đó là do ta đã học được phép lịch mới của Trung Quốc; đó là công lao của Đặng Nhữ Lâm.
Trong cuốn Lịch và lịch Việt Nam, học giả Hoàng Xuân Hãn trích dẫn từ Minh sử đoạn văn sau:
“Tháng Hai năm Đại Đức thứ 5 (1301, Nguyên Thành Tổ, Trần Anh Tông) viên Thái phó Hoàn Trạch tâu : “Sứ An Nam Đặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung Uyển, mua giấu địa đồ, sách cấm, sao chép văn thư về bàn bạc chuyện đánh Giao Chỉ. Lại ghi trộm tình hình quân sự ở Bắc biên và việc xây sơn lăng. Xin sai sứ ban chiếu trách lấy đại nghĩa”. Tháng Ba, sai Lễ Bộ Thượng thư Mã Hạp Mã, Lễ Bộ Thị lang Kiều Tông Lăng mang chiếu thư dỗ Nhật Tôn (Trần Nhân Tông là Thái thượng hoàng). Đại ý là: “Bọn Nhữ Lâm làm việc trái phép, đáng phải trị đến cùng. Nhưng trẫm thương cả thiên hạ sắc cho hữu ty tha cho về. Từ nay phải chọn lựa sứ. Nếu muốn trần tình điều gì thì phải hết sức thành tâm; chứ lấy hư văn mà dối, thì có ích gì cho việc mình xin. Chớ sợ đổi cách, để tránh hối hận về sau”. Rồi lại sai bọn vạn hộ Trương Vĩnh Thực cùng sứ về” [5].
Cụ Hãn viết tiếp: “Tôi nghĩ rằng chính trong dịp này, người nước ta học được phép tính lịch Thụ Thời, và có lẽ bắt đầu đặt ty Thiên văn hay cục Thái sử có viên chức cao phụ trách”. Theo cụ, “cấm thư” đây là lịch thư – sách dạy cách làm lịch.
Chúng tôi nghĩ rằng, do bị phát giác và bị “trục xuất” như vậy, Đặng Nhữ Lâm không còn điều kiện mang được gì theo người về nước nữa. Chắc rằng trong khi sưu tầm được “cấm thư”, ông đã tranh thủ học được phép làm lịch. Khi về tới nhà ông là người thực thi việc tính lịch, khiến cho lịch nước ta lại giống lịch Trung Quốc muộn nhất cũng là từ năm Bính Ngọ-1306 và trở nên chính xác hơn trước. Có lẽ cũng vì lý do tế nhị là ông đã bị vua Nguyên quở trách, nên để giữ hòa hiếu, sử ta ngày ấy không ghi rõ công trạng của ông.
2.3. Vì lịch thư là một môn bí truyền, chỉ truyền lại trong gia tộc, nên Đặng Nhữ Lâm đã truyền lại cho con ông là Đặng Lộ. Nhờ thế Đặng Lộ trở thành một lịch quan đầu tiên được ghi danh trong chính sử.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kỷ Mão [Khai Hựu] năm thứ 11 [1339]. Mùa xuân, đổi lịch Thụ Thời thành lịch Hiệp Kỷ.
Khi ấy, Hậu nghi đài lang Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ cho rằng lịch các đời trước đều gọi là lịch Thụ Thời, xin đổi thành Hiệp Kỷ. Vua y theo.
Lộ là người huyện Sơn Minh. Lộ từng làm lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng, không việc gì không đúng” [3]. Sơn Minh nay là huyện Ứng Hòa, Hà Tây.
Cụ Hãn giải thích: “Lung linh nghi là dụng cụ gồm trục vũ trụ, và các vòng Xích đạo, Hoàng đạo, Kinh tuyến để quan sát thiên văn”.
Ta biết năm 1281 nhà Nguyên đổi lịch Thành Thiên thành lịch Thụ Thời và lịch này được dùng sang đến tận thời Minh. Năm 1384, nhà Minh mới đổi lịch Thụ Thời thành lịch Đại Thống. Như vậy là sau khi Đặng Nhữ Lâm mang được phép lịch mới về thì ta theo và cũng đặt lịch là Thụ Thời. Tên lịch này là lấy từ ý của câu vua Nghiêu bảo Hi Hòa: “Khâm nhược hạo nhiên, lịch tượng nhật nguyệt tinh thần, kính thụ nhân thời”. Nghĩa là: “Hãy kính cẩn vâng trời, cho vẽ hành trình mặt trời, mặt trăng giữa những chòm sao rồi trân trọng trao thời tiết cho dân”.
Từ trước Trung Quốc không có lịch Hiệp Kỷ, đến thời Thanh tuy dùng lịch Thời Hiến, mà phép tắc được trình bày trong sách Lịch tượng khảo thành; nhưng lại soạn sách Hiệp kỷ biện phương thư để bàn về trạch cát, tức chọn ngày tốt. Tên sách có 2 nghĩa: “kính thiên chi kỷ, kính địa chi phương”. Như vậy, khi đặt tên lịch là Hiệp Kỷ, Đặng Lộ chắc cũng muốn ngụ ý “kính thiên, kính địa”.
“Phép lịch Thụ Thời, được ban hành năm 1281… Không những trong 97 năm đời Nguyên không đổi phép lịch, mà triều Minh lập từ năm 1368 cũng nối theo, chỉ đổi tên ra lịch Đại Thống… Phép lịch của Quách Thủ Kính (Thụ Thời – Đại Thống) đã được dùng suốt trong 363 năm mà không điều chỉnh…” [5]. Điều này cũng bảo đảm cho từ 1300 đến 1644 lịch của ta so với lịch Trung Quốc là đại đồng, tiểu dị và khá chính xác.
3. Một lời chiêu tuyết
Đi sứ làm công tác tình báo là chuyện bình thường. Đọc Minh sử, ta biết Đặng Nhữ Lâm chẳng may để lộ chuyện, công việc không hoàn toàn suôn sẻ. Nhưng ngẫm sự việc con ông là Đặng Lộ thành đạt trong lĩnh vực Lịch học như ta biết, thì rõ ràng ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trong một chừng mực nhất định; đó là học được phép làm lịch. Như đã viết, để giữ quan hệ ngoại giao, sử ta chẳng thể tuyên dương ông. Ấy là cái “thiệt thòi” của người làm công việc “tình báo”.
Có điều đáng tiếc là, ngày nay, do đọc sách không thấu đáo, viết sách cẩu thả, trong sách Tìm hiểu trận tuyến bí mật trong lịch sử Việt Nam, [2] (trang 95) Nguyễn Hồng Dương đã viết ngược hẳn lại như sau:
“Nhờ làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, giữ mật phòng gian tế, nhà Trần đã phát hiện được những hoạt động gián điệp nguy hiểm của bọn gián điệp khoác áo sứ giả, nhà buôn Nguyên; phát hiện được những hoạt động phản quốc (chúng tôi nhấn mạnh – LTL, TND) trong hàng ngũ sứ giả nhà Trần. Nhữ Lâm vâng mệnh vua Trần đi sứ đã vẽ bản đồ về cung điện cấm thành và hoàng thành Thăng Long rồi giấu mang theo cấm thư đã bị phát giác và trừng trị kịp thời”. Tác giả có ghi chú là dẫn từ sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, bản in tại Sài Gòn, năm 1960, trang 217.
Chúng tôi có xem lại cuốn Việt sử tiêu án bản in năm 1960 đó và cả bản do Nhà xuất bản Thanh niên in năm 2001 [1] (trang 246), cũng như các bản được đưa lên mạng tất cả đều theo bản dịch của Hội Liên lạc nghiên cứu văn hóa Á Châu và đều viết:
“Nhữ Lâm vâng mệnh đi sứ sang Nguyên, mật vẽ đồ bản cung điện và giấu mang theo cấm thư; việc phát giác, vua Nguyên không nỡ trị tội, chỉ sai đuổi về, và dụ bảo từ nay trở đi có sai sứ thần phải kén chọn cẩn thận. (Đi sứ mà không cẩn thận, gần làm lỡ việc nước (chúng tôi nhấn mạnh – LTL, TND), đó là gương sáng cho các vị sứ thần, và cũng được biết nhà Nguyên đối với nước ta xử hậu quá thật)”.
Đây là bản dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Ở đây cụm từ “mang theo” không thật rõ nghĩa, khiến Nguyễn Hồng Dương khi đọc không kỹ đã nghĩ rằng cụ “mang theo” “cái gì đấy sang Nguyên”, rồi suy ra thành bản đồ về cung điện “cấm thành và hoàng thành Thăng Long”. Thật là “sai một ly đi một dăm”, biến người ngay thành kẻ gian, biến người có công thành kẻ có tội. Oan trái thay. Giờ đây ta đọc lại Minh sử thì rất rõ, Đặng Nhữ Lâm đã “vẽ bản đồ cung Uyển… sao chép văn thư về bàn bạc chuyện đánh Giao Chỉ”, toàn “chuyện tày trời” trên đất nhà Nguyên.
Dù sao Ngô Thì Sĩ vẫn viết đúng sự thật. Có điều Ngô Thì Sĩ chưa thấy “cái công” của Đặng Nhữ Lâm mà sử xưa không tiện nhắc đến mà thôi. Nay ta đã suy ra được; nhất là khi thấy con ông đã nối được nghiệp của cha và thành một lịch quan giỏi.
Tuy sử liệu còn lại không nhiều, song cũng đủ để dựng lại công lao của hai cha con họ Đặng trong lịch sử làm lịch của nước nhà cách đây một ngàn năm và cũng có một đôi lời chiêu tuyết rất cần thiết cho Đặng Nhữ Lâm.
Có thể nói, đóng góp của hai cha con họ Đặng là Đặng Nhữ Lâm và Đặng Lộ cho Lịch học nước nhà là không nhỏ.
Hà Nội, 25/8/2011